Quân Giải phóng miền Nam - Nét đặc sắc về sử dụng lực lượng của Đảng

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ cách mạng
Quân Giải phóng miền Nam - Nét đặc sắc về sử dụng lực lượng của Đảng ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Ngày 8/1, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử,” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (15/2/1961-15/2/2021).

Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, tháng 1/1961, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp ra Nghị quyết về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam.

Trong đó, Bộ Chính trị đề ra kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ hai (1961-1965) là đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang ở hai miền Nam-Bắc; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam đủ mạnh, để từng bước đánh bại từng chiến lược, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, ngày 15/2/1961, tại chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được tuyên bố thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc. Việc thống nhất các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam nói lên sự trưởng thành của lực lượng vũ trang ở miền Nam và bước chuyển biến của cách mạng sang giai đoạn mới, giai đoạn tiến hành chiến tranh cách mạng.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục.

[Chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị trong cuộc tổng tiến công 1975]

Kể từ ngày thành lập cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử, Quân Giải phóng miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Quân đội giao phó, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, phát triển lực lượng, từ tác chiến quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn lên hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; lập nên những chiến công tiêu biểu, ghi đậm dấu ấn lịch sử như Ấp Bắc; Bình Giã, Đồng Xoài, Vạn Tường, Plây Me; đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966; 1966-1967, tạo tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, làm nên bước ngoặt của cuộc chiến tranh, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán; đó là thắng lợi đánh bại cuộc hành quân Junction City đầy tham vọng của Mỹ ngụy, là thắng lợi trong cuộc phản công chiến lược 1972, góp phần quan trọng buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước, là thắng lợi trong Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Những chiến công vang dội đó là kết tinh của tinh thần chiến đấu hy sinh, sự sáng tạo mưu lược, ý chí tiến công kiên cường, “kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, đây là dịp quan trọng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là dịp tổng kết, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong kháng chiến, vận dụng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Quân Giải phóng miền Nam - Nét đặc sắc về sử dụng lực lượng của Đảng ảnh 2Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị, các tham luận, các ý kiến trao đổi cần tập trung làm rõ các nội dung khẳng định chủ trương thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là sự vận dụng sáng tạo, đúng đắn nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, là nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, gần 90 tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội, các nhân chứng lịch sử được gửi tới hội thảo.

Mỗi tham luận là một công trình khoa học độc lập, làm sáng rõ từng vấn đề cụ thể, trong hệ đề tài đã được xác định, góp phần làm sáng tỏ và sâu sắc hơn: “Chủ trương thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Marx-Lenin về xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng; là nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng.”

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các tướng lĩnh, các nhân chứng lịch sử với nhiều ý kiến nhằm làm rõ vai trò, ý nghĩa, bài học lịch sử của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ban Tổ chức hội thảo nhận được nhiều tham luận với nội dung phong phú, chất lượng khoa học cao. Nhiều tham luận được trình bày tại hội thảo góp phần luận giải, phân tích, đánh giá vai trò, sứ mệnh lịch sử của Quân giải phóng miền Nam.

Kết thúc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ cách mạng, qua đó đúc rút những bài học kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục