Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/1 đưa tin, quân đội nước này đã gửi yêu cầu tới Hội đồng An ninh quốc gia đề nghị xét xử lại các sĩ quan quân đội bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền, đồng thời cáo buộc bằng chứng đã bị ngụy tạo.
Theo kênh truyền hình tư nhân NTV, ngày 27/12/2013, quân đội cũng đã khiếu nại về bằng chứng của Văn phòng Trưởng công tố Ankara.
Động thái trên diễn ra giữa lúc cuộc khủng hoảng chính trị đang căng thẳng ở nước này liên quan các điều tra tham nhũng mà chính phủ cho rằng là âm mưu chống chính quyền của một nhóm thân cận với giới cảnh sát và tư pháp.
Trong năm 2013, cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Ilker Basbug đã bị kết án tù chung thân và một số sĩ quan, nhà báo, luật sư khác cũng bị tuyên án tù giam vì có vai trò trong cái gọi là âm mưu “Ergenekon”, một kế hoạch lật đổ chính phủ của Thủ tướng Erdogan bị phát hiện năm 2008.
Trước đó, năm 2012, hơn 300 sĩ quan quân đội tại ngũ và đã nghỉ hưu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải chịu án tù giam từ 12 đến 20 năm trong một vụ xét xử, với lý do cuộc diễn tập quân sự năm 2003 mang mật danh "Sledgehammer" thực chất là một âm mưu đảo chính chống lại đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thủ tướng Erdogan.
Trong vụ này, mức án cao nhất, 20 năm tù giam, được tòa tuyên phạt đối với 3 cựu tướng lĩnh, gồm cựu Tư lệnh Không quân Ibrahim Firtina, cựu Tư lệnh Lục quân Cetin Dogan và cựu Tư lệnh Hải quân Ozden Ornek.
Trong quá khứ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng luôn tự coi mình là người bảo vệ các nguyên tắc thế tục, đã thực hiện ba cuộc đảo chính vào các năm 1960, 1971, 1980, cũng như từng chấm dứt sự tồn tại của một chính phủ Hồi giáo vào năm 1997.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2002, Chính phủ của Thủ tướng Erdogan đã từng bước kiềm chế lực lượng này với hàng loạt vụ xét xử các sĩ quan cao cấp. Tuần trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ không can thiệp vào tình hình bất ổn chính trị trong nước hiện nay./.