Ngày 13/2, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha đã kêu gọi các phe phái tại nước này kiềm chế trong bối cảnh sắp diễn ra một kỳ nghỉ cuối tuần, thời điểm các nhóm tổ chức biểu tình chống chính phủ kêu gọi hàng nghìn người xuống phố.
Phát biểu trước báo giới sau khi gặp Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, Tướng Prayuth khẳng định các bên phải hành động thận trọng và kiềm chế sử dụng vũ lực.
Nếu bất cứ bên nào sử dụng vũ khí khiến bên kia phản ứng lại sẽ khiến bạo lực gia tăng và buộc các lực lượng an ninh phải can thiệp.
Trong cuộc gặp bà Yingluck, Tướng Prayuth tái khẳng định quân đội Thái Lan vẫn giữ vai trò trung lập trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở nước này.
Trước đó, các thủ lĩnh biểu tình đã kêu gọi những người ủng hộ tham gia biểu tình vào cuối tuần này và lên kế hoạch tổ chức các sự kiện ''Yêu Thái Lan và lật đổ Chính phủ Thaksin'' ở Bangkok vào ngày 14/2 (tức vào ngày Lễ Tình nhân), trùng với một ngày lễ của Phật giáo.
Bất ổn chính trị tại Thái Lan đã kéo dài gần bốn tháng qua, khiến 11 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Nhằm chấm dứt tình hình hỗn loạn trong nước, Thái Lan đã tiến hành tổng tuyển cử sớm vào ngày 2/2 vừa qua. Tuy nhiên, những người biểu tình chống chính phủ đã gây cản trở tại khoảng một số điểm bỏ phiếu.
Đảng Dân chủ - đảng đối lập đã tẩy chay cuộc tổng tuyển cử- tuyên bố sẽ đề nghị Tòa án Hiến pháp Thái Lan không công nhận kết quả bầu cử với lý do cuộc bầu cử lần này vi phạm luật bầu cử và Hiến pháp.
Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC), có 46,79% số cử tri trên cả nước đã tham gia bỏ phiếu tại 68 tỉnh thành trong cuộc tổng tuyển cử, tương đương 20,1 triệu cử tri trong số 43,024 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ chỉ công bố kết quả bầu cử sau khi đã tổ chức bỏ phiếu tại tất cả các khu vực bầu cử.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan cũng tuyên bố sẽ không tổ chức các cuộc bầu cử mới ở những khu vực vẫn bất ổn về an ninh và xảy ra tình trạng vi phạm luật pháp, cho rằng việc làm này sẽ chỉ làm mất thời gian và tiền của./.