Quân đội Nam Sudan tiêu diệt gần 20 phiến quân

Quân đội Nam Sudan đã mở một cuộc tấn công vào một căn cứ phiến quân ở bang Jonglei, tiêu diệt ít nhất 19 tay súng.
Ngày 21/11, quân đội Nam Sudan cho biết họ đã mở một cuộc tấn công vào một căn cứ phiến quân ở bang Jonglei, tiêu diệt ít nhất 19 tay súng phiến quân trong khi một binh siỹ chính phủ thiệt mạng.

Cuộc tấn công trên được thực hiện ngày 19/11, quân đội sử dụng súng phóng lựu và đạn pháo nhằm vào căn cứ phiến quân ở khu vực Likwangole. Thủ lĩnh căn cứ phiến quân này là David Yau Yau, cựu học giả về thần học và xuất thân từ cộng đồng sắc tộc Murle.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 4/2010, Yau Yau thất bại và tổ chức cuộc nổi dậy chống chính quyền Juba. Sau đó, nhân vật này chấp nhận lệnh ân xá hồi tháng 7/2011, một tháng trước khi Nam Sudan tuyên bố tách khỏi Sudan trở thành một quốc gia độc lập. Tháng Tư vừa qua, Yau Yau trở lại hoạt động chống đối chính quyền.

Các nguồn tin xác định Yau Yau chỉ huy đội ngũ khoảng từ 50 đến 300 đối tượng trong khi các nhà phân tích cho rằng nhân vật này có thể đã lôi kéo 3.000 thanh niên.

Bang Jonglei là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc xung đột giữa hai miền Bắc-Nam Sudan giai đoạn 1983-2005. Mới đây nhất, hồi tháng Tám vừa qua, phiến quân tại khu vực này đã tấn công và sát hại ít nhất 24 binh sỹ. Sudan và Nam Sudan cáo buộc nhau hỗ trợ phiến quân chống chính quyền ở mỗi nước, song cả hai đều bác bỏ cáo buộc của phía bên kia.

Trong một động thái khác, ngày 21/11, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit nói rằng việc khởi động lại sản xuất dầu mỏ, vốn có ý nghĩa sống còn cho nền kinh tế của quốc gia non trẻ này, bị đình trệ bởi Sudan đưa ra những yêu cầu mới.

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng một nhà máy dọc dầu ở bang Upper Nile, Tổng thống Nam Sudan nói rằng dự định ban đầu là sản xuất dầu mỏ trở lại vào ngày 15/11 song phía Sudan đặt điều kiện Nam Sudan phải lên án các nhóm phiến quân đang hoạt động tại Sudan.

Tháng Giêng năm nay, Nam Sudan ngừng sản xuất dầu mỏ sau khi cáo buộc Sudan đánh cắp dầu. Việc này làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế hai nước, đặc biệt là Nam Sudan khi sản xuất dầu mỏ chiếm tới 98% nguồn thu chính phủ. Căng thẳng song phương leo thang thành xung đột ở khu vực biên giới trong tháng Tư song sau đó hai bên đã ký những thỏa thuận nối lại sản xuất, vận chuyển dầu mỏ.

Khi Nam Sudan giành độc lập, quốc gia mới này chiếm khoảng 2/3 trữ lượng dầu mỏ của Sudan thống nhất trước đây. Trong khi đó, những đường ống dẫn và các cơ sở lọc dầu chính lại nằm trên phần lãnh thổ Sudan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục