Quân đội Mỹ thông báo ngừng trả lương 9.000 nhân viên Hàn Quốc

Quân đội Mỹ sẽ cho gần 9.000 nhân viên Hàn Quốc nghỉ không lương từ tháng 4/2021 vì chưa đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí duy trì 28.500 binh sỹ Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Quân đội Mỹ thông báo ngừng trả lương 9.000 nhân viên Hàn Quốc ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đón người đồng cấp Hàn Quốc Suh Wook trong cuộc gặp song phương và hội đàm danh dự nâng cao tại thủ đô Washington, ngày 14/10. (Nguồn: defense.gov)

Quân đội Mỹ sẽ cho gần 9.000 nhân viên Hàn Quốc nghỉ không lương từ tháng 4/2021 vì chưa đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí duy trì 28.500 binh sỹ Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Thông báo với chính quyền Hàn Quốc, quân đội Mỹ cho biết: "Chúng tôi vẫn sẽ đối mặt với sự thâm hụt quỹ lương cho phần còn lại của năm 2021. Với việc không đạt được Hiệp định Các biện pháp Đặc biệt (SMA) hay thỏa thuận song phương liên quan, Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) có thể phải cho nghỉ phép các nhân viên mang quốc tịch Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 1/4/2021."

Các nhân viên, phần lớn làm việc tại các căn cứ Mỹ, đã không được trả lương từ tháng Tư vừa qua, dẫn tới việc phải ký một hiệp định tạm thời vào tháng Sáu để Hàn Quốc trả lương cho khoảng 4.000 nhân viên.

Trong bức thư gửi tới Bộ Lao động Hàn Quốc hôm 5/10 vừa qua, USFK cho biết quỹ lương tạm thời sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới và lực lượng này chỉ có thể trả cho người lao động tới tháng 3/2021.

Các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự là trở ngại chính trong cuộc họp an ninh hàng năm tuần này giữ Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook và người đồng cấp Mỹ Mark Esper tại thủ đô Washington.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc theo SMA.

Năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước đó. Từ tháng 9/2019 đến nay, Seoul và Washington đã tiến hành tổng cộng 6 vòng đàm phán nhưng không hóa giải được những khác biệt trong một số điểm then chốt, như tổng mức đóng góp tài chính của Seoul và việc gia hạn thỏa thuận SMA, vốn đã hết hạn cuối năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục