Quân đội Lesotho phủ nhận các cáo buộc tiến hành đảo chính

Lực lượng quân đội Lesotho đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Thủ tướng Tom Thabane và khẳng định họ hành động nhằm bảo vệ đất nước.
Cáo buộc của Thủ tướng Lesotho Tom Thabane đã bị bác bỏ. (Nguồn: Reuters)

Chỉ ít giờ sau khi Thủ tướng Lesotho Tom Thabane đưa ra cáo buộc về một cuộc đảo chính quân sự, lực lượng quân đội nước này đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên đồng thời khẳng định họ hành động nhằm bảo vệ đất nước và vẫn tôn trọng hiến pháp.

Phát biểu với kênh truyền hình Nam Phi, người phát ngôn của lực lượng quân đội Lesotho Ntlele Ntoi nêu rõ chiến dịch nói trên chỉ nhằm tước vũ khí của cảnh sát nước này vì trước đó có thông tin lực lượng này đang chuẩn bị cung cấp vũ khí cho một số chính đảng tại Lesotho. Ông Ntlele Ntoi cũng nhấn mạnh quân đội Lesotho đã rút về doanh trại.

Một vài cuộc đấu súng đã diễn ra tại thủ đô Maseru và một số khu vực khác, trong đó, theo thông báo mới nhất, một binh lính và 4 cảnh sát Lesotho đã bị thương. Hãng thông tấn Reuters dẫn trả lời phỏng vấn BBC của Thủ tướng Thabane cho biết ông đã lánh nạn sang nước láng giềng Nam Phi.

Trước diễn biến nhanh chóng tại Lesotho, Nam Phi đã ra tuyên bố rằng nước này sẽ không khoan dung đối với mọi sự thay đổi vi hiến về chính phủ tại Lesotho. Pretoria nhận định hành động chiếm giữ các cơ quan chủ chốt do quân đội Lesotho tiến hành được coi là một vụ đảo chính. Trong khi đó, khối Thịnh vượng chung đã hối thúc quân đội Lesotho đưa nước này trở về thể chế dân sự sau khi Thủ tướng Thabane lên tiếng cáo buộc quân đội tiến hành đảo chính, đồng thời yêu cầu các binh lính quay trở về doanh trại.

Lesotho là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, từng chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng chính trị trong lịch sử. Hồi năm 1986, chính phủ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc của Nam Phi đã kích động một cuộc đảo chính tại nước láng giềng nhỏ bé này nhằm ngăn cản kế hoạch Đại hội Quốc gia châu Phi và một số nhà hoạt động khác mở trụ sở tại Lesotho. Sau đó, vào năm 1998, Lesotho lại phải hứng chịu một cuộc xâm chiếm do Nam Phi và Botswana tiến hành. Những năm sau đó, quốc gia với 2 triệu dân này liên tục chứng kiến hàng loạt âm mưu đảo chính cho đến khi tình hình lắng dịu hơn sau cuộc bầu cử năm 2012 khi ba chính đảng lớn của nước này, trong đó có đảng Dân tộc Basotho và đảng Đại hội Dân chủ Lesotho (LCD), hợp thành một liên minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục