Ngày 26/5, lực lượng Không quân Iraq đã kêu gọi người dân rời khỏi khu Thành Cổ ở trung tâm Mosul, khu vực cố thủ của các tay súng tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại thành phố miền Bắc Iraq này.
Nhiều dân thường bị mắc kẹt tại những khu vực do IS kiểm soát ở Mosul đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nước uống, mất điện và không được tiếp cận các dịch vụ y tế.
Trước tình hình này, các máy bay của Không quân Iraq đã rải hàng trăm nghìn truyền đơn xuống khu vực này, hối thúc người dân rời khỏi đây theo các hành lang an toàn.
Động thái trên được cho là dấu hiệu quân đội Iraq chuẩn bị tiến hành đợt tấn công quyết định nhằm đánh bật phiến quân IS khỏi khu Thành Cổ.
[Iraq: Nhà nước Hồi giáo kiểm soát 80% vùng sa mạc tỉnh Anbar]
Cùng ngày, điều phối viên Liên hợp quốc về cứu trợ khẩn cấp Stephen O'Brien nhấn mạnh ông "quan ngại sâu sắc" về sự an toàn của người dân sống tại những vùng do IS chiếm giữ. Theo ông, có đến 200.000 người Iraq có thể chạy khỏi các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của IS tại Mosul trong vài ngày tới.
Gần 760.000 người đã rời khỏi Mosul trong thời gian quân đội Iraq tiến hành tấn công IS tại đây từ tháng 10 năm ngoái và Liên hợp quốc không rõ còn bao nhiêu dân thường vẫn mắc kẹt tại các khu vực do IS kiểm soát. Liên hợp quốc cũng đã dựng các lều trại gần Mosul để làm nơi tạm trú cho những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết một đợt không kích sáng 26/5 của liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS đã làm thiệt mạng ít nhất 80 người là thân nhân của các tay súng IS tại Syria.
Liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiến hành nhiều đợt tấn công nhằm vào các vị trí của IS tại Syria và Iraq kể từ sau khi tổ chức khủng bố này tuyên bố đứng sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào sân vận động Manchester Arena ở thành phố Manchester, Tây Bắc nước Anh, hôm 22/5 vừa qua làm ít nhất 22 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Trước đó cùng ngày 26/5, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein đã kêu gọi tất cả các nước tham gia sứ mệnh chống khủng bố tại Syria xác định rõ các mục tiêu quân sự và dân sự để hạn chế tối đa thương vong dân thường trong các vụ không kích.
Kể từ khi cuộc xung đột Syria bùng nổ hồi tháng 2/2011, đến nay hơn 320.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán./.