Quân đội châu Âu thực sự: Liệu có phải nhiệm vụ bất khả thi?

Sự đồng thuận chưa từng có về việc thành lập một đội quân châu Âu thực sự của cặp đôi lãnh đạo Pháp-Đức, điều được cho là đã làm người Mỹ giận dữ, có thể là dấu mốc về một bước ngoặt mới của châu Âu.
Quân đội châu Âu thực sự: Liệu có phải nhiệm vụ bất khả thi? ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) trong cuộc gặp tại Marseille, Pháp, ngày 7/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vào ngày kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, đã cùng gợi ra ý tưởng về một đội quân châu Âu thực sự.

Sự đồng thuận chưa từng có từ ý nghĩ đến lời nói của cặp đôi lãnh đạo Pháp-Đức, điều được cho là đã làm người Mỹ giận dữ, có thể là dấu mốc về một bước ngoặt mới của châu Âu.

Trang mạng Euractiv vừa có bài phân tích về vấn đề này.

Theo bài viết, ý tưởng về một đội quân châu Âu đã trở lại. Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi xây dựng một tầm nhìn cho việc thành lập một đội quân châu Âu.

Cũng tại đây, trước đó chỉ vài ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã nói về sự cần thiết phải thành lập một "quân đội châu Âu thực sự."

Sự trùng hợp về tư tưởng Pháp-Đức này khá hiếm. Câu hỏi đặt ra là hiện tượng này có ý nghĩa gì?

Ý tưởng về một đội quân châu Âu không phải là vấn đề quá mới mẻ. Khái niệm này đã được nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đề cập đến, thường là từ những người theo dân chủ Kitô giáo, nhưng không phải một cách máy móc mà đôi khi với những quan điểm khá đa dạng về tương lai của hội nhập châu Âu.

[Lý do liên minh châu Âu khó thành lập ngay quân đội riêng]

Ý tưởng thành lập một quân đội chung châu Âu đã từng được đề cập từ thời của Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi.

Gần đây hơn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (đảng cánh hữu châu Âu PPE) cũng đã nhắc tới khả năng này ngay từ khi mới bắt đầu nhiệm kỳ của mình.

Dự án trên cũng nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Âu như Tổng thống Cộng hòa Czech Miloš Zeman, cựu Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka hay Thủ tướng Hungary Viktor Orban (đảng PPE).

Quan điểm này cũng được thể hiện trong chương trình hành động của Đảng Nhân dân châu Âu được xác định ở Madrid cách đây 3 năm.

Tuy nhiên, chưa bao giờ một quan chức Pháp đang nắm quyền lại gợi lên ý tưởng này kể từ khi dự án thành lập cộng đồng quốc phòng châu Âu trước đây bị chính người Pháp đẩy lùi vào phút chót.

Điều cấm kỵ đã được nói ra. Một vài nhà ngoại giao Pháp lo lắng đã giảm nhẹ các đề xuất của Tổng thống khi đánh giá rằng ông Macron không muốn nói về quân đội mà là về sáng kiến châu Âu can thiệp hoặc dự án khác. Họ không quan tâm đến vai trò đặc biệt của tổng thống Pháp, vốn cũng là người đứng đầu quân đội.

Với đề xuất này, khi ông Macron nói về một quân đội châu Âu thực sự, điều đó không có nghĩa đơn giản chỉ là một dự án hợp tác. Những người khác có thể đánh giá đề xuất này rằng trên hết Tổng thống muốn gây ấn tượng, đồng nghĩa với việc không để nước Đức độc quyền sáng kiến.

Tổng thống Pháp đang muốn khôi phục lại hình ảnh của mình trong bầu không khí chuẩn bị cho một chiến dịch bầu cử được dự đoán là rất khó khăn sắp tới.

Đề xuất quan trọng nhất của Emmanuel Macron đưa ra 2 mục tiêu cho quân đội châu Âu: thứ nhất là sự cần thiết phải đối phó với Nga và thứ hai là châu Âu phải tự bảo vệ mình nhiều hơn chứ không muốn chỉ phụ thuộc vào Mỹ, mục tiêu là để Lục địa già có nhiều quyền tự quyết hơn.

Đề xuất của Angela Merkel thiên về mô hình cổ điển hơn. Ý tưởng của Thủ tướng Đức đã được đưa vào hợp đồng liên minh CDU-SPD, được ký kết vào đầu năm 2018, và đã được một số quan chức của nước này trích dẫn.

Mới đây quan điểm này một lần nữa được nêu ra trong một bài báo trên tờ Handelsblatt của nhà triết học người Đức Jürgen Habermas, cựu Bộ trưởng Tư pháp Brigitte Zypries và thành viên CDU Friedrich Merz- nhân vật dự kiến sẽ kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel.

Thủ tướng Đức, trung thành với đường hướng của mình, cũng đã đưa ra một số lời giải thích dù không đi vào chi tiết khi đề cập vấn đề trên với Tổng thống Pháp.

Trước hết, lãnh đạo Đức cho rằng đó là một dự án dài hạn với hành động đầu tiên là phát triển một tầm nhìn để đến một ngày nào đó tiến tới một quân đội châu Âu thực sự.

Tiếp theo, người Đức cho rằng quân đội châu Âu là yếu tố bổ sung cho NATO chứ không phải là một công cụ để chống lại NATO.

Nếu ai đó cho rằng điều này đồng nghĩa với việc sáp nhập tất cả quân đội quốc gia làm một, ở cấp độ NATO hoặc Liên minh châu Âu (EU), thì dự án này là hoàn toàn không đúng và không thể xảy ra trừ phi có thảm họa.

Ngay cả trong bối cảnh đầy rẫy những biến động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai thì vào thời điểm ngày 16/6/1940, Pháp đã từ chối một dự án quân sự chung do Hạ viện Anh đề xuất dựa trên gợi ý của chính khách Pháp Jean Monnet và Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Trong khi dự án được cho là sẽ hình thành nên một lực lượng để bổ sung cho quân đội các quốc gia với mục đích bảo vệ lãnh thổ hoặc hỗ trợ công dân châu Âu, điều này quả là rất phức tạp và khó thực hiện nhưng nó có thể là một dự án tương lai đầy tham vọng mà châu Âu đang rất trông đợi.

Thực sự là dự án này không dễ được khởi động trong bối cảnh hiện tại của EU. Mặc dù đề xuất đưa ra một số quan niệm tiến bộ về chính sách quốc phòng chung nhưng để thực hiện được thì cần phải có sự nhất trí. Nếu muốn có bất kỳ cơ hội thành công nào, ban đầu nó không nên tập hợp quá 5 hoặc 6 quốc gia, trong đó có cả Pháp và Đức.

Ngoài ra, việc hình thành được một cơ cấu để chỉ huy các chiến dịch cũng được xem là rất phức tạp.

Cuối cùng, việc thiết lập một cấu trúc chủ quyền mới như việc cấp các đặc quyền nhất định về quyền lực công cộng, đòi hỏi một sự tổ chức được tích hợp cao độ hơn so với mô hình tổ chức hiện tại của EU.

Sự thất bại của cộng đồng quốc phòng châu Âu không phải là lý do. Dự án Cộng đồng quốc phòng châu Âu (EDC) đã thất bại cách đây hơn 60 năm. Khi đó nước Đức bị chia cắt dù bức tường Berlin chưa tồn tại và họ cũng không được phép khôi phục quân đội.

Mặt khác, EDC không thực sự là một dự án quân sự của châu Âu. Mục tiêu chính của nó là nhằm tái vũ trang nước Đức, nhưng các đơn vị này không chịu sự chỉ huy của châu Âu mà là của người Mỹ.

Châu Âu dường như đang trong một thế giới khác, một dự án khác hơn là ý tưởng về thành lập một quân đội châu Âu đích thực. Và việc gợi lại bài học thất bại của EDC là không thừa để tránh những tranh cãi về một dự án mới xuất hiện với những lời sáo mòn và một chủ nghĩa thất bại cũ rích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục