Quan điểm về sức khỏe của con người đã thay đổi trong năm 2018

Nhu cầu làm đẹp không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân mà người dùng ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe nên mỹ phẩm hữu cơ trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các tín đồ làm đẹp.

Năm 2018 là năm mà thế giới không những “trưởng thành” hơn về các quan niệm chăm sóc sức khỏe, mà còn có nhiều bước đột phá trong việc bảo vệ sức khỏe.

Tất cả những nỗ lực “tự cứu lấy mình” ấy đã vẽ lên một viễn cảnh đầy hứa hẹn về tuổi thọ cũng như hướng chúng ta đến một lối sống lành mạnh và tích cực hơn trong năm 2019.

Chúng ta hãy cùng điểm qua những phương pháp chăm sóc sức khỏe hữu ích đã gây sốt trong năm nay. Hy vọng, những xu hướng này sẽ không tồn tại nhất thời dưới dạng trào lưu mà sẽ trở thành những thói quen tốt của bạn trong việc xây dựng một lối sống lành mạnh trong tương lai.

1. Thời đại 4.0 và lời cảnh báo về nguy cơ tàn phá thể chất lẫn tâm hồn

Công nghệ và mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng sức khỏe thời hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng như thế nào là vừa phải và những cảnh báo về hiện tượng lệ thuộc vào kỹ thuật là xu hướng được quan tâm nhiều trong năm vừa qua.

Nạn nghiện smartphone trở thành từ khóa nhận được nhiều tìm kiếm trên Google Trends khi quá nhiều người chỉ tập trung vào chiếc điện thoại mà quên đi cách giao tiếp hay sống trong thế giới thật.

Nhiều cá nhân và tổ chức cũng đã lên tiếng kêu gọi chống lại hiện tượng “máy tính lập trình con người," khi những thứ làm ra tưởng chừng để kết nối cộng đồng lại làm chúng ta trở nên xa cách nhau hơn.

Quan điểm về sức khỏe của con người đã thay đổi trong năm 2018 ảnh 1Nên tập thói quen thư giãn khi phải làm việc với máy tính quá lâu để tránh tình trạng mỏi mắt, đau đầu, ảnh hưởng đến khả năng tư duy và làm việc.

Bạn hãy bỏ điện thoại hay các thiết bị di động xuống để sống trọng vẹn hơn với con người và những việc đang xảy ra xung quanh.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng lối sống tối giản như việc chỉ mua một chiếc điện thoại có vài tính năng cần thiết, không quá hiện đại để tránh tình trạng lạm dụng các tiện ích đó.

2. Vi khuẩn và nấm là bạn của đường ruột

Trong nhiều năm qua, khoa học về sức khỏe đường ruột đã tập trung vào các chế phẩm sinh học, thứ giúp duy trì sự cân bằng của vi khuẩn tốt-xấu sống trong đường tiêu hóa.

Theo một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã có phát hiện bất ngờ về những lợi ích của vi khuẩn và nấm trong việc nâng cao sức khỏe dạ dày và tăng cường cải thiện các vấn đề tiêu hóa.

Quan điểm về sức khỏe của con người đã thay đổi trong năm 2018 ảnh 2

Tiến sỹ Mahmoud Ghannoum, một trong những nhà khoa học vi sinh hàng đầu thế giới đã nghiên cứu về sức khỏe đường ruột trong một thời gian dài, khẳng định sức mạnh của “bộ đôi” này: “Trong lịch sử, nấm đã bị mang tiếng xấu, chủ yếu là do một loại nấm có tên là Candida nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy sự ‘hợp tác’ giữa vi khuẩn và nấm đã tạo nên những kết quả tích cực cho sức khỏe đường ruột của con người."

Một số loại nấm kết hợp cùng các vi khuẩn có lợi có thể giải quyết triệt để các vấn đề của hệ tiêu hóa. Nếu thiếu hụt lượng nấm cần thiết sẽ dẫn đến ợ hơi, chướng bụng, dạ dày chua và cảm giác nóng rát.

Tiến sỹ Mahmoud còn nhấn mạnh: “Thiếu nấm còn có thể khiến cho hệ tiêu hóa làm việc chậm chạp, gây ảnh hưởng tới chức năng hấp thu và xử lý các chất dinh dưỡng." Có thể nói, đây là một trong số những cuộc “lật đổ” ngoạn mục của thế giới trong năm 2018, tạo tiền đề sẽ tối ưu sức khỏe đường ruột của mình theo một cách thức hoàn toàn mới.

3. Đẹp “hữu cơ” tốt hơn đẹp “son phấn”

Hiện nay, nhu cầu làm đẹp không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân mà người dùng ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mình cũng như môi trường sống. Chính vì thế, mỹ phẩm hữu cơ (hay còn gọi là mỹ phẩm organic) trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các tín đồ làm đẹp.

[Những điều bạn cần biết về các loại mỹ phẩm thiên nhiên]

Với những thế mạnh như thành phần từ thiên nhiên được kiểm soát chặt chẽ, độ lành tính cao, an toàn tuyệt đối, không hóa chất tổng hợp độc hại, thân thiện với môi trường, phù hợp cho mọi loại da, và được chứng nhận organic bởi một tổ chức quốc tế độc lập uy tín chứng thực,… mỹ phẩm organic đã nhanh chóng “chiếm sóng” ở năm 2017 và phát triển thành xu hướng làm đẹp mạnh mẽ trong năm 2018.

Quan điểm về sức khỏe của con người đã thay đổi trong năm 2018 ảnh 3

4. Intermittent Fasting - chế độ giảm cân đơn giản nhưng hiệu quả

Trong nhiều thập kỷ qua, các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe không ngừng nghiên cứu để tìm ra những phương pháp giảm cân hiệu quả, và nổi bật trong đó là các chế độ ăn như Ketogenic (Keto), Paleo, Intermittent Fasting (IF), Low-carb, Whole 30.

Tuy nhiên, theo chuyên trang sức khỏe và xây dựng lối sống bền vững mindbodygreen thì ứng viên sáng giá đã bùng nổ trong năm 2018 không phải là thực đơn Low-carb quen thuộc, hay Keto đã “làm mưa làm gió” ở năm 2017 mà là chế độ IF - nhịn ăn gián đoạn.

Quan điểm về sức khỏe của con người đã thay đổi trong năm 2018 ảnh 4

Chế độ ăn này rất tốt cho việc giảm cân và đã được chứng minh có thể cải thiện sức khỏe trong thời gian ngắn hạn và dài hạn.

Nhịn ăn gián đoạn là một chế độ ăn uống có chu kỳ, giúp cơ thể đốt cháy những chất béo thừa. Nó không ép buộc người tập nên ăn những gì mà là khi nào nên ăn. Phương pháp này giúp cân bằng lượng đường trong máu, ngăn ngừa bệnh ung thư, tăng khả năng nhận thức, giảm stress.

Chuyên gia dinh dưỡng Kelly LeVeque, người chịu trách nhiệm về chế độ ăn uống của hàng loạt ngôi sao hạng A khuyên rằng: “Lý tưởng nhất là ăn trong khoảng 6 hoặc 8 tiếng vào ban ngày, ví dụ từ 9 giờ đến 17 giờ hoặc từ 10 giờ đến 16 giờ." Điều quan trọng là đặt ra cột mốc nhịn ăn vào buổi tối và kiên trì thực hiện.

5. Trân trọng 8 giờ vàng ngọc mỗi tối

Giấc ngủ đã trở thành ưu tiên hàng đầu khi các nhà nghiên cứu liên tục phát hiện ra rằng việc thiếu ngủ là nguyên nhân chính gây tăng cân, lo lắng, suy nhược cơ thể, hạn chế thần kinh cũng như nhận thức.

Quan điểm về sức khỏe của con người đã thay đổi trong năm 2018 ảnh 5

Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Amazon có chung ý kiến với thạc sỹ thần kinh học tổng quát Ellen Vora rằng giấc ngủ không chỉ là một điều kiện then chốt để cơ thể con người vận động, làm tăng năng suất công việc, còn là một sức mạnh có khả năng quyết định thành công, hướng đến một lối sống khỏe mạnh, chất lượng và dài lâu.

Cho dù việc công sở và gia đình có bận rộn đến đâu, hãy cố gắng để bản thân có đủ 8 tiếng nghỉ ngơi mỗi đêm, và nhớ chú ý đến chất lượng môi trường xung quanh để giữ cho giấc ngủ được sâu và cơ thể có thời gian thư giãn thật sự.

6. Liệu pháp thở - giá trị cốt lõi trong việc gia tăng chất lượng cuộc sống

Liệu pháp thở là các bài tập thở nhằm làm tăng cường sức khỏe thể chất, trí óc, tinh thần. Nó bắt nguồn từ những phương pháp trị bệnh của phương Đông như yoga, thái cực quyền, đồng thời kết hợp liệu pháp tâm lý của y học hiện đại.

Nói về những giá trị sức khỏe mà liệu pháp này đem lại, giáo sư Andrew Huberman, người điều hành Phòng nghiên cứu Huberman về Sinh học-Thần kinh tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) chia sẻ: “Nếu thiền định giúp chúng ta cân bằng trí lực trong những lúc tĩnh tại thì liệu pháp thở có thể áp dụng hầu như mọi lúc mọi nơi. Mỗi một bài thở riêng đều có tác động mạnh mẽ đến hệ thần kinh và giúp kiểm soát cả tinh thần và thể chất."

Quan điểm về sức khỏe của con người đã thay đổi trong năm 2018 ảnh 6

Chuyên gia về hiệu suất Brian Mackenzie cũng đồng tình với quan điểm trên: “Chúng ta có thể rèn luyện cơ bắp và sức khỏe tim mạch theo cách mình muốn nhưng nếu không hiểu tầm quan trọng của phổi và hệ thống hô hấp thì ta đang bỏ qua điều cần thiết nhất trong quá trình cải thiện sức khỏe."

Nhờ vào những tác dụng hữu ích và sự linh hoạt mà liệu pháp thở mang lại, nó đã trở thành phương thức chăm sóc sức khỏe tiên tiến thay thế thiền định trong năm 2018.

Bạn cũng muốn tập thử? Trước tiên, hãy bắt đầu bằng việc ngồi xuống sàn nhà hay bắt kỳ đâu bạn cảm thấy thoải mái, hít vào 4 giây, sau đó thở ra 4 giây qua đường mũi. Nên áp dụng phương pháp này trước khi ngủ để làm giảm căng thẳng, tăng sự tập trung và dễ đi vào giấc ngủ hơn sau đó./.

Bài: HUYỀN MY TRƯƠNG
Ảnh: TH
(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục