Quan điểm trái chiều về việc EU tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc

Phát biểu tại sự kiện Đối thoại toàn cầu Berlin ở Đức, Tổng thống Pháp cho rằng các nhà sản xuất châu Âu đang phải cạnh tranh “không công bằng” với một số hãng sản xuất ôtô điện của Trung Quốc.

Mẫu xe điện của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD được trưng bày tại Budapest, Hungary. (Ảnh: THX/TTXVN)
Mẫu xe điện của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD được trưng bày tại Budapest, Hungary. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 2/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tái khẳng định quan điểm ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) áp thuế bổ sung đối với xe điện của Trung Quốc.

Phát biểu tại sự kiện Đối thoại toàn cầu Berlin ở Đức, Tổng thống Macron cho rằng các nhà sản xuất châu Âu đang phải cạnh tranh “không công bằng” với một số hãng sản xuất ôtô điện của Trung Quốc.

Do đó, Liên minh châu Âu (EU) cần “tái lập sân chơi bình đẳng” với Bắc Kinh trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, phát biểu tại Hiệp hội liên bang về Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ (BGA) của Đức cùng ngày, Thủ tướng nước này Olaf Scholz cho rằng EU cần duy trì “đối thoại cởi mở” với Trung Quốc về vấn đề ôtô điện.

Theo nhà lãnh đạo Đức, cần phải bảo vệ nền kinh tế khỏi các hoạt động thương mại không công bằng song cũng không được có các hành động tự gây hại cho mình.

Trước đó, Chính phủ và các nhà sản xuất ôtô của Đức đã nhiều lần bày tỏ quan ngại “cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc có thể gây tổn hại đến ngành sản xuất ô tô của nước này.

Theo các nhà sản xuất ôtô của Đức, việc Trung Quốc có động thái đáp trả sẽ ảnh hưởng đến doanh của các hãng xe Đức tại thị trường châu Á quan trọng này.

Giám đốc điều hành (CEO) của hãng BMW Oliver Zipse kêu gọi Chính phủ Đức bỏ phiếu chống lại quyết định tăng thuế của EU, vì điều này có thể sẽ gây ra "các tranh chấp thương mại không có lợi cho bất kỳ bên nào.”

Hiện EU đang có kế hoạch đánh thuế bổ sung lên tới 36,3% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc và 27 nước thành viên của khối dự kiến bỏ phiếu về vấn đề này trong ngày 4/10.

Theo đánh giá của giới phân tích, nếu được thông qua, đây sẽ là biện pháp thương mại lớn nhất của EU đối với Trung Quốc trong hơn 1 thập kỷ qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục