Quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin về chủ nghĩa tự do

Chắc chắn các nhà lãnh đạo dân chủ tự do và lãnh đạo phương Tây đã tự kiềm chế để không thốt ra những lời phản bác khi ông Putin nói rằng chủ nghĩa tự do đã “sống lâu hơn mục tiêu của chúng ta."
Quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin về chủ nghĩa tự do ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin chắc chắn là các nhà lãnh đạo dân chủ tự do và lãnh đạo phương Tây đã tự kiềm chế để không “buột miệng” thốt ra những lời phản bác, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin biết rằng ông đang “đá bóng vào cái gôn bỏ trống” khi tuyên bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, rằng chủ nghĩa tự do đã “sống lâu hơn mục tiêu của chúng ta."

Ông Putin thậm chí có thể đã đoán định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “hùa” theo và tán dương lời nhận định của nguyên thủ quốc gia Nga theo cách riêng của ông Trump.

Khi được hỏi tại một cuộc họp báo về phản ứng đối với nhận định của ông Putin, ông Trump đã ngả về hướng chỉ trích những người theo chủ nghĩa tự do của Mỹ bằng cách chĩa mũi dùi vào những lãnh đạo địa phương ở Mỹ vốn phản đối chính sách của ông Trump, trong đó có chính sách kiểm soát chặt chẽ vấn đề di cư.

[Cố vấn Mỹ: Tổng thống Nga Vladimir Putin định làm gì ở Bắc Cực?]

“Nếu bạn nhìn vào những gì đang diễn ra ở Los Angeles... và San Francisco và một vài thành phố khác do một nhóm những người dân chủ khác thường điều hành, tôi không biết họ nghĩ gì, song ông ấy (Putin) hiểu được những gì đang xảy ra ở Mỹ nên khó lòng thốt ra được lời nói đẹp đẽ nào về Mỹ. Tôi rất ái ngại trước những gì tôi chứng kiến,” ông Trump trả lời báo giới đồng thời khẳng định chính quyền liên bang cần “vào cuộc” để tình trạng đó không tiếp diễn.

Đây không phải lần đầu tiên ông Trump phản ứng như vậy về chủ nghĩa tự do. Sự “bịn rịn” của ông Trump với chủ nghĩa hẹp hòi thể hiện rõ ràng khi ông khước từ chỉ trích Putin trước các buộc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ bất chấp các kết luận của tình báo Mỹ và công tố viên đặc biệt Robert Mueller khẳng định hoạt động can dự đã và đang diễn ra ở quy mô rộng khắp.

Tương tự, tại một cuộc gặp bên lề G20 vừa qua với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, ông Trump đã ca ngợi lãnh đạo Saudi này vì đã thực hiện được nhiều việc cho đất nước trong vòng 5 năm qua.

Thế nhưng, lãnh đạo Mỹ này lại không hề đả động gì đến việc Thái tử Saudi đã “bịt miệng” các nhà hoạt động nhân quyền ở nước này như thế nào.

Giống như các nhà lãnh đạo dân chủ tự do phương Tây khác tại G20, ông Trump đã coi nhẹ sự thiếu trách nhiệm giải trình rõ ràng của Saudi Arabia đối với vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi tháng 10/2018.

Có lẽ, vì vụ sát hại hai công dân quốc tịch Nga bằng chất độc thần kinh xảy ra trên đất Anh năm 2018 nên Thủ tướng Anh sắp mãn nhiệm Theresa May lại có quan điểm cứng rắn hơn so với các lãnh đạo khác tại một cuộc gặp lạnh nhạt với ông Putin.

Người phát ngôn của bà May nói rằng nữ thủ tướng sắp mãn nhiệm khẳng định London vẫn để ngỏ một mối quan hệ khác biệt, song để làm được điều đó thì Moskva phải chọn một con đường khác. Anh chắc chắn sẽ tiếp tục bảo vệ dân chủ tự do và các vấn đề nhân quyền.

Tuy nhiên, nhìn chung, lãnh đạo dân chủ tự do phương Tây dường như cho rằng nhận định của ông Putin về chủ nghĩa tự do là đáng tin cậy khi họ không làm gì để cải phản bác nhận định của ông Putin.

Họ cũng tỏ ra mềm yếu trong các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi thảo luận về các giá trị tự do như nhân quyền. Không có một bàn tán nào về hoạt động trấn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.

Tương tự, các lãnh đạo dân chủ tự do cũng không hề “đao to búa lớn” gì trước nỗ lực của Putin nhằm kích động tình trạng phân cực ở phương Tây khi khẳng định rằng chủ nghĩa tự do “giả định rằng… những người di cư có thể giết hại, cướp bóc và hãm hiếp mà không bị trừng phạt vì các quyền con người của họ… phải được bảo vệ.”

Thế nên, cách phản ứng của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk không làm cứng rắn hơn cách phản ứng của giới lãnh đạo dân chủ tự do và dường như chẳng khác nào lời nói đãi bôi với những giá trị như nhân quyền.

“Đối với người dân châu Âu, đây vẫn và sẽ vẫn là những giá trị thiết yếu và quan trọng. Điều tôi thấy thực sự lỗi thời là chủ nghĩa độc đoán, sùng bái cá nhân, luật lệ do đầu sỏ chính trị chi phối. Ngay cả như vậy thì đôi khi chúng dường như tỏ ra hiệu quả,” ông Tusk nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục