Quan điểm của Nga đối với các vấn đề nóng trong khu vực

Nga đã tổ chức họp báo để trả lời câu hỏi của một số hãng truyền thông đề nghị bình luận về một số vấn đề đáng chú ý trong quan hệ của Moskva với các nước láng giềng.
Quan điểm của Nga đối với các vấn đề nóng trong khu vực ảnh 1Đội hình xe chiến đấu của hệ thống pháo phản lực hạng nặng TOS-1 của Nga. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao Liên bang Nga và cũng là Phó phát ngôn viên của bộ này, ông Nikolai Lakhonin, đã tổ chức họp báo vào trung tuần tháng Tám để trả lời câu hỏi của một số hãng truyền thông đề nghị bình luận về một số vấn đề đáng chú ý trong quan hệ của Moskva với các nước láng giềng.

Tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật ở quần đảo Nam Kuril/Vùng Lãnh thổ phương Bắc
Về việc Tokyo tuyên bố phản đối liên quan đến chuyến thăm của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tới Đảo Iturup (thuộc quần đảo Kuril), ông Lakhonin cho biết trong cuộc cuộc nói chuyện giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Nhật Bản, phía Nga đã đưa ra những câu trả lời thấu đáo và thích hợp.

Đặc biệt về phản ứng của Tokyo đối với chuyến đi của Thủ tướng Mishustin tới Vùng Sakhalin, ông Lavrov đã trực tiếp chỉ ra sự không thể chấp nhận được của những tuyên bố như vậy, đồng thời khẳng định ý định của Moskva tiếp tục tiến hành thiết lập các hoạt động kinh tế chung ở Nam Kuril/Vùng Lãnh thổ phương Bắc theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo hai nước.

Hành động cực đoan chống người nói tiếng Nga ở Kazakhstan

Khi được hỏi về những tin tức liên quan tới “các hành động theo chủ nghĩa dân tộc” xuất hiện trên mạng Internet ở Kazakhstan, ông Lakhonin trả lời: “Chúng tôi chắc chắn nắm rõ những thông tin này. Điều này đòi hỏi có những phản ứng cảm xúc tức thì, bởi đang có sự chú ý đặc biệt của người dân, giới nghiên cứu chính trị và các nghị sỹ của chúng ta tới vị thế của kiều bào Nga ở nước ngoài.”

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh mức độ quan hệ thân thiết của hai nước cho phép kịp thời thực hiện các biện pháp chung đối với từng trường hợp đáng báo động. Trong đó, các kênh liên lạc trực tiếp có sẵn đã được sử dụng, bao gồm thông qua các nhà ngoại giao, cơ quan hành pháp và tư pháp, cũng như Văn phòng tổng thống để xử lý vụ việc này.

Phía Nga chỉ rõ hành động của những người đứng sau việc nhồi nhét thông tin về cái gọi là "Tuần tra ngôn ngữ" sẽ không thể bị ngăn chặn nếu không có phản ứng của chính quyền Kazakhstan và các cơ quan thực thi pháp luật của nước này.

Điều này được thể hiện qua tuyên bố của Phó Chánh Văn phòng tổng thống Kazakhstan D. Abaev.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moskva đã có kinh nghiệm phản ứng chung với các quốc gia láng giềng về những trường hợp tương tự đã xảy ra ở nước cộng hòa Kyrgyzstan, đồng thời nhấn mạnh việc theo dõi tình hình phát triển của chủ nghĩa cực đoan ở các quốc gia láng giềng thuộc Liên Xô cũ vẫn là một lĩnh vực công việc quan trọng của cơ quan ngoại giao Nga.

Tình hình Ukraine

Bình luận về về tình hình nội bộ Ukraine trong thời gian gần đây, ông
Lakhonin chỉ rõ Nga lo ngại về sự xuống cấp của tình hình an ninh ở miền Đông Ukraine.

Theo ông, kể từ đầu tháng Tám, Phái đoàn Giám sát đặc biệt của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã ghi nhận khoảng 1.000 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn.

Theo thông tin từ Donetsk và Luhansk, hơn 10 người, trong đó có cả dân thường, đã thiệt mạng trong vụ pháo kích.

Ông nói: “Đáng tiếc, những người bảo trợ phía Tây của Kiev không làm gì để ngăn chính quyền Ukraine giết người của chính họ. Hơn nữa, chính sách mà các nước NATO đang theo đuổi, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí, trực tiếp hướng đến việc ủng hộ các tình cảm quân phiệt và leo thang quân sự."

Quan điểm của Nga đối với các vấn đề nóng trong khu vực ảnh 2Lãnh đạo Đức và Nga từng điện đàm về tình hình Đông Ukraine hồi tháng 4/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong lĩnh vực chính trị, Moskva cho rằng thay vì giải quyết cuộc xung đột ở Donbass, nhà cầm quyền Ukraine tiếp tục có những bước đi chỉ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã bế tắc trong quá trình đàm phán.

Ngày 5/8, chính phủ Ukraine đã thông qua dự thảo luật “Về chính sách nhà nước của thời kỳ chuyển tiếp.”

Dự luật này xác nhận việc áp dụng "khái niệm thời kỳ chuyển tiếp" ở Donbass, trong đó quy định một "chế độ pháp lý đặc biệt" nhằm mục đích làm sạch khu vực khỏi các lực lượng không trung thành với Kiev, vốn không liên quan gì đến các thỏa thuận Minsk.

Phía Nga nhấn mạnh trong dự luật này không có bất kỳ đề cập nào về vấn đề quy chế đặc biệt, quyền ngôn ngữ và ân xá cho cư dân của Donbass.

Ngoài ra phía Ukraine cũng đã không trình dự luật nêu trên cho tiểu ban chính trị của Nhóm liên lạc để xem xét và không thảo luận với đại diện của Donetsk và Lugansk.

Phía Nga cho rằng chính sách của Ukraine khắc sâu tư tưởng vị kỷ quốc gia, chủ yếu liên quan đến người Nga.

Đầu tháng Tám vừa qua, đặc phái viên về bảo vệ ngôn ngữ quốc gia Ukraine Taras Kremin đã mời tất cả các cư dân không nói tiếng Ukraine của quốc gia này rời khỏi đất nước.

Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 5/8, Tổng thống Volodymir Zelensky đã khuyên người Nga (ở miền Đông Ukraine) nên "rời đi và tìm kiếm một vị trí ở nước Nga.”

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến các tiến trình đang diễn ra ở Ukraine và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để cùng nhau thúc giục chính thức Kiev ngừng chiến tranh chống lại cư dân phía Đông đất nước, ngăn chặn các vi phạm nhân quyền lớn, bao gồm sự phân biệt đối xử thô bạo đối với các dân tộc thiểu số, đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập và phe đối lập.

Biển Đen

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao Nga nêu quan ngại về hàng loạt các cuộc tập trận quân sự quốc tế đã và đang diễn ra trên Biển Đen với sự tham gia của các nước thành viên liên minh NATO và các đối tác của họ, trong đó có Ukraine.

Theo phía Nga, tổng cộng có 7 cuộc tập trận chung với các nước trong khối NATO sẽ được tổ chức tại Ukraine trong năm 2021.

[NATO tập trận tại Biển Đen nhằm cải thiện hợp tác liên minh]

Trong đó, cuộc tập trận Defender Europe 2021 diễn ra vào tháng Bảy vừa qua đã trở thành cuộc diễn tập lớn nhất trong 1/4 thế kỷ gần đây.

Ông Lakhonin nêu rõ: “Chúng tôi chú ý đến thực tế là người Ukraine đang cố gắng tạo ra sự ủng hộ rộng rãi cho các cuộc diễn tập quốc tế và thường đánh giá quá cao số lượng quốc gia tham gia các cuộc tập trận. Vì vậy, trong cuộc tập trận Sea Breeze (kết thúc vào ngày 10/7), không phải 32 quốc gia thực sự tham gia như Kiev chính thức tuyên bố, mà ít hơn nhiều. Trong đó, nhiều quốc gia chỉ cử tùy viên quân sự của họ làm quan sát viên, hoặc thậm chí tham gia qua liên kết video. Tuy nhiên, nền tảng thông tin như vậy giúp củng cố trong đầu quân đội Ukraine ý tưởng về một cuộc chiến tranh với Nga và sự hỗ trợ đáng tin cậy của đường lối này đối với họ từ phương Tây”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục