Quán cơm Nhân Ái

Quán cơm nhỏ và trái tim bao la ở phố Bảo Khánh

Cứ thứ năm hàng tuần, gia đình chủ quán cơm nhỏ bé trên phố Bảo Khánh lại gửi hơn 200 suất cơm đến bệnh nhân ở viện K trung ương.
Chỉ sở hữu một quán ăn nhỏ đơn sơ chỉ rộng khoảng 7m2 trên con phố Bảo Khánh, Hà Nội, nhưng cứ đến thứ năm hàng tuần, gia đình chị Nguyễn Cát Lệ  vẫn đều đặn dành 200 suất cơm miễn phí phát cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K Trung ương, Hà Nội. Từ ký ức buồn Khi tìm hiểu lý do tại sao lại chọn viện K làm nơi phát cơm miễn phí, phóng viên Vietnam+ đã được gia đình chị Lệ chia sẻ một câu chuyện buồn. Bà Phạm Thị Nghĩa, sinh năm 1946, mẹ đẻ của chị Lệ, rưng rưng nước mắt nói: "Tôi có bốn người con, ba gái, một trai. Cuộc đời nghiệt ngã đổ lên đầu thằng con trai duy nhất căn bệnh ung thư gan hiểm nghèo. Gia đình vốn chẳng khá giả gì, mấy đứa con gái phải lăn lộn làm hàng ăn kiếm tiền đỡ mẹ chữa bệnh cho anh..." Bà Nghĩa chỉ nói đến đây rồi đứng lên đi vào bếp, dường như bà cảm thấy quá sức khi phải lục lại ký ức đau buồn. Sau giai đoạn khó khăn của gia đình, với sự đồng cảm sâu sắc với người bệnh nghèo, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, chị Lệ cùng các chị em gái trong nhà bắt đầu đi làm từ thiện bằng cách tặng quà, biếu tiền cho các bệnh nhân nghèo chủ yếu đến từ vùng sâu vùng xa. Đến tháng 3/2013, chị Lệ đề xuất hình thức tổ chức nấu cơm từ thiện. May mắn, chị Lệ nhận được sự ủng hộ của cả gia đình. Trong đó, mẹ chồng, mẹ đẻ chị Lệ nhận đi chợ, nấu nướng; các chị gái chị Lệ nhận làm nguyên liệu, chồng chị cùng chở cơm và phát cơm... Theo chị Lệ, đây là cách thiết thực nhất và có thể giúp được nhiều người hơn cả. Rất giản dị, chị Lệ đã lấy tên "Cơm Nhân Ái" để đặt cho công việc của gia đình. Những ngày đầu, gia đình chỉ dám làm 100 suất cơm, phần vì chỉ có người trong gia đình tham gia, phần vì kinh tế chưa có nhiều điều kiện. Lúc đó, các chị mới chỉ phát ở cổng bệnh viện, "bắt hình dong" bệnh nhân để phát phiếu cơm, sau chị mạnh dạn vào đăng ký với bệnh viện K để được vào viện phát phiếu đến từng người và được tạo điều kiện phát cơm vào chiều thứ 5 hàng tuần. Mới đây, gia đình chị đã cố gắng tăng lên 250 suất cơm cho các bệnh nhân nghèo.

Gia đình Cơm Nhân Ái trong một buổi phát cơm cho bệnh nhân nghèo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
"Không chỉ có gia đình tôi đi làm từ thiện ở viện K mà còn rất nhiều tổ chức từ thiện khác, gia đình chỉ muốn góp phần nào đấy, chia sẻ khó khăn, nỗi đau với gia bệnh nhân. Các bạn biết đấy, ung thư là căn bệnh 'đặt dấu chấm hết' với người nghèo," chị Lệ khiêm tốn nói. Tiếng lành đồn xa, hiện nay Cơm Nhân Ái đã thu hút được gần 20 tình nguyện viên thường xuyên thay nhau hàng tuần nấu nướng, phát cơm, phát phiếu... Để thu hút thêm nguồn kinh phí, tại quán ăn của chị Lệ còn bán kẹo cao su, khách mua trực tiếp thả tiền vào hòm từ thiện. Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 vừa qua, Cơm Nhân Ái còn tổ chức tặng quà cho hơn 60 cháu bé đang chữa bệnh tại Viện K cơ sở Văn Điển. Tiếp thêm nghị lực Mỗi suất Cơm Nhân Ái bao gồm: cơm, rau, thịt, canh. Chị Lệ cho biết, bệnh ung thư kiêng ăn khá nhiều món kể cả cá, gà... Gia đình chị phải đi hỏi từng bệnh nhân để biết được đa số họ ăn được món gì để nấu. "Họ ăn cháo mãi chịu sao nổi," chị Lệ xót xa. Nói về Cơm Nhân Ái, bác Tống Văn Hứa, 58 tuổi, quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, bệnh nhân ung thư nghèo thuộc Khoa đầu cổ, viện K Hà Nội cho biết: "Cơm của các anh chị rất ngon, món ăn phong phú. Bệnh nhân nghèo như chúng tôi chủ yếu phải ăn cháo qua ngày, được bữa cơm ngon là nguồn động viên đối với tôi. Có khi thiếu cơm, bệnh nhân chúng tôi cùng chia sẻ cho nhau, mỗi người một nửa." Tâm sự hoàn cảnh, bác Hứa cho biết, hai vợ chồng bác ở quê chỉ trông vào 3 sào ruộng, con trai phải đi làm mướn ở miền Nam, thu nhập chẳng đáng là bao, cũng chẳng có của để dành. Nay bác lại mắc căn bệnh nan y, chữa gần chục năm nay không dứt điểm được khiến cho của nả trong nhà cứ thế ra đi, thậm chí những món nợ để lại cho cậu con trai cứ lớn dần, khiến bác Hứa ngày càng suy sụp. Cùng chia sẻ với phóng viên, bác Nguyễn Văn Ngọ, sinh năm 1948, một bệnh nhân cùng phòng bác Hứa, quê ở Khánh Hải, Yên Khánh, Ninh Bình, nói: "Cháu cho bác gửi lời cảm ơn đến các anh chị phát cơm nhé. Cháu hãy động viên họ, viết về họ để cho nhiều người ủng hộ hơn. Nhờ các anh chị mà các bác có thêm một ngày để sống. Ở đây vẫn còn rất nhiều người cần lắm...," bác Ngọ nghẹn giọng vì vết mổ u mặt khiến bác còn đau đớn. Bác sỹ Bùi Thị Xuân, trực thuộc khoa ngoại - phụ khoa, bệnh viện K Hà Nội, cho biết: "Tôi đã thấy các anh chị vừa phát cơm, phát cháo vừa khóc vì thương những bệnh nhân nghèo. Tôi cũng đã thấy cả những bệnh nhân vừa nhận bát cơm, bát cháo vừa khóc. Thậm chí, bệnh viện chỉ cho phép phát cơm ở sân nhưng các anh chị vẫn xin đem cơm lên tận phòng cho những bệnh nhân không đi được." Bác sỹ Xuân cho biết, mọi món ăn (cơm, cháo), quà từ thiện (bánh kẹo, đường, sữa) đều được một bộ phận trong viện kiểm tra theo quy định; thực phẩm và thức ăn mà các tổ chức cung cấp từ thiện hiện nay đều an toàn do họ tự làm một cách phi lợi nhuận và có trách nhiệm. Theo bác sỹ Xuân, những hoạt động như vậy cần nhân rộng hơn nữa bởi đó là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho người bệnh nghèo, tạo sự đồng cảm và động lực vươn lên chiến thắng bệnh tật. Hiện nay, tại bệnh viện K, không chỉ có Cơm Nhân Ái mà còn nhiều nhóm, tổ chức cũng đang hỗ trợ bệnh nhân nghèo bằng những bát cháo, những chiếc bánh mỳ đầy nghĩa tình./.
Quỳnh Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục