Quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí tiếp tục đối thoại

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha sẽ tiến hành hội đàm trong ngày 21/8 tại thị trấn Cổ Bắc Khẩu bên lề cuộc gặp 3 bên với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono sắp có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha. (Nguồn: AFP)

Ngày 20/8, các quan chức cấp cao của Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí tiếp tục đối thoại trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước láng giềng này rơi xuống mức thấp mới do tranh cãi leo thang về vấn đề lịch sử và thương mại.

Theo hãng tin Kyodo, ông Kenji Kanasugi, Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kim Jung Han ở ngoại ô Bắc Kinh (Trung Quốc) một ngày trước khi các bộ trưởng ngoại giao hai bên dự kiến hội đàm.

Tại cuộc trao đổi "thẳng thắn," ông Kanasugi đã tái khẳng định quan điểm của Tokyo rằng Seoul "vi phạm luật pháp quốc tế."

Trong khi đó, ông Kim Jung Han đã nêu vấn đề Tokyo gần đây tăng cường kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu công nghệ cao quan trọng sang Hàn Quốc. Seoul coi các động thái này của Tokyo là biện pháp trả đũa kinh tế, đi ngược lại tinh thần thương mại tự do.

[Hàn hoãn kế hoạch loại Nhật khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy]

Ông Kim Jung Han cũng nhắc lại lập trường của Seoul về khả năng chấm dứt Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự Hàn-Nhật (gọi tắt là GSOMIA), một phần quan trọng trong hợp tác an ninh ba bên với Mỹ.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha sẽ tiến hành hội đàm trong ngày 21/8 tại thị trấn Cổ Bắc Khẩu bên lề cuộc gặp 3 bên với Trung Quốc.

Quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã xấu đi nghiêm trọng sau các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.

Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.

Đáp lại, Hàn Quốc thậm chí đe dọa xem xét sẽ chấm dứt GSOMIA sau khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 24/8 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục