Quan chức Mỹ nói gì về việc Ukraine tấn công vào tỉnh Kursk của Nga

Quan chức Ukraine và Mỹ thảo luận về tình hình chiến trường và các thỏa thuận an ninh trong bối cảnh Ukraine đang tiếp tục thực hiện cuộc xâm nhập quy mô lớn vào tỉnh Kursk của Nga.
Nga tấn công lực lượng Ukraine ở Kursk. (Nguồn: Sky News)

Theo hãng tin Reuters, ngày 14/8, Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo Chánh văn phòng cơ quan này, ông Andriy Yermak và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đang ở thăm đã thảo luận về tình hình chiến trường và các thỏa thuận an ninh.

Chuyến thăm của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu James O'Brien diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang tiếp tục thực hiện cuộc xâm nhập xuyên biên giới quy mô lớn vào tỉnh Kursk của Nga.

Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 13/8 khẳng định Mỹ không được Ukraine báo trước về việc Kiev lên kế hoạch triển khai chiến dịch tấn công tỉnh Kursk của Nga.

Theo bà Jean-Pierre, Washington đang tìm kiếm lời giải thích rõ ràng từ phía Kiev về những mục tiêu của hành động xâm nhập dường như đã gây bất ngờ cho Moskva.

Bên cạnh đó, quan chức Nhà Trắng cũng quả quyết Mỹ không có bất cứ sự dính líu nào đến chiến dịch của Ukraine.

Trong khi đó, các Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal (đảng Dân chủ), đại diện cho bang Connecticut, và Lindsey Graham (đảng Cộng hòa), đại diện cho bang South Carolina, đang ở thăm Ukraine đã bày tỏ lập trường ủng hộ chiến dịch tấn công của Kiev vào lãnh thổ Nga.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao nước chủ nhà, Thượng nghị sĩ Graham - đồng minh quan trọng của Kiev trong đảng Cộng hòa - đã mô tả chiến dịch tấn công tỉnh Kursk của Nga hôm 6/8 là “táo bạo”.

Anh tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine bất chấp kết quả bầu cử Mỹ

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Sputnik, Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin cho biết London sẽ tiếp tục tiếp vũ khí cho Ukraine bất chấp kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ra sao.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11. Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ chấm dứt ngay lập tức xung đột ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng xung đột sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông là Tổng thống Mỹ đương nhiệm thay vì Joe Biden.

Hồi tháng Hai, Tham mưu trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, Đô đốc Tony Radakin cho biết cần phải tăng cường đáng kể số lượng đạn dược của nước này.

Nga tin rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cản trở tiến trình giải quyết xung đột và trực tiếp lôi kéo sự can dự của các nước NATO.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Mỹ và NATO đã trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, không chỉ cung cấp vũ khí mà còn đào tạo nhân lực ở Anh, Đức, Italy và các nước khác. Điện Kremlin tuyên bố rằng việc phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine đã cản trở việc đàm phán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục