Đại biện lâm thời Mỹ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Melissa A. Brown khẳng định Washington đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong thời gian đầy thử thách do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta, bà Melissa cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hoan nghênh việc Việt Nam đã tổ chức cuộc đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước đối tác trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
Nhà ngoại giao Mỹ đánh giá nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam là “cơ hội để tăng cường hợp tác và liên kết khu vực.” Theo bà Melissa, ASEAN đang thể hiện được tính hiệu quả của mình khi các quốc gia thành viên thống nhất và cùng chung tiếng nói về các thách thức kinh tế và an ninh khu vực.
Đại biện Melissa hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo của Việt Nam với vai trò Chủ tịch trong năm nay, ASEAN sẽ cùng nhau giải quyết các thách thức cấp bách trong khu vực, như an ninh hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, khủng hoảng nhân đạo và bảo vệ quyền của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
[Củng cố quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ ở nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam]
Bà Melissa nhấn mạnh rằng ASEAN nằm ở vị trí trung tâm trong tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cho biết tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và một lần nữa tuyên bố rằng Mỹ là đối tác chiến lược lâu dài của ASEAN.
Theo bà Melissa, tại cuộc họp trên, Ngoại trưởng Pompeo cùng những người đồng cấp ASEAN đã nhấn mạnh đến những cam kết sâu rộng của Mỹ với ASEAN trong các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa của khu vực.
Các bộ trưởng đã công bố các sáng kiến mới nhằm phát triển nguồn nhân lực và y tế thông qua Sáng kiến tương lai y tế Mỹ-ASEAN, trong đó có một chương trình mới nhằm hỗ trợ Hệ thống điều phối khẩn cấp y tế công cộng tại khu vực ASEAN và thành lập Học viện sáng kiến các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) đặt tại Đại học Fulbright Việt Nam.
Cũng theo bà Melissa, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10, Ngoại trưởng Pompeo đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với các nguyên tắc cởi mở, bao trùm, minh bạch và tôn trọng luật pháp quốc tế, được chia sẻ với AOIP.
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh các nỗ lực và đầu tư của Mỹ nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài các cuộc họp trên, thay mặt Ngoại trưởng Pompeo, Thứ trưởng Biegun cũng đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mekong-Mỹ lần thứ nhất với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Tổng Thư ký ASEAN; và công bố nâng cấp hợp tác lên Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ (MUSP).
MUSP sẽ mở rộng hợp tác bắt đầu từ năm 2009 trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) thông qua việc tăng cường sự tự chủ, độc lập kinh tế và phát triển bền vững của các nước đối tác Mekong.
Đại biện Melissa cho biết tại các cuộc họp nói trên, Ngoại trưởng Pompeo đã nhấn mạnh thông điệp rõ ràng về an ninh hàng hải, kêu gọi chấm dứt các chính sách gây bất ổn ở cả Biển Đông và khu vực sông Mekong.
Cũng theo Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ và các nước thành viên ASEAN đều có chung lập trường là tất cả các tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đại dịch COVID-19 là thách thức toàn cầu chưa từng có và các cuộc họp này, Ngoại trưởng Pompeo đã công bố các nỗ lực của Mỹ nhằm tận dụng tất cả các nguồn lực sẵn có để phát triển các loại vắcxin và các phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, giá cả phải chăng và phổ biến rộng rãi để chống lại virus.
Chính phủ Mỹ đã phân bổ 20,5 tỷ USD cho việc phát triển vắcxin và các phương pháp điều trị, các nỗ lực chuẩn bị và sự hỗ trợ khác dành cho các nước. Mỹ cũng cung cấp hơn 87 triệu USD hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các nước ASEAN. Trong các cuộc thảo luận, Ngoại trưởng Pompeo đã hoan nghênh sự đoàn kết và minh bạch của ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.
Cuối cùng, Ngoại trưởng Pompeo đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc sử dụng tất cả các công cụ sẵn có, trong đó có sự hỗ trợ của khu vực tư nhân, nhằm hợp tác với ASEAN trong các nỗ lực phục hồi kinh tế vì sự thịnh vượng của khu vực như đã từng làm trong nhiều thập kỷ qua.
Theo bà Melissa, năm 2019, thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và ASEAN đã đạt hơn 354 tỷ USD và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ. Các chương trình như Cơ chế một cửa ASEAN, Chương trình thực tập sinh Mỹ-ASEAN và Đối tác thành phố thông minh Mỹ-ASEAN đang tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, tạo ra các cơ hội mới và cải thiện cuộc sống của người dân trong khu vực./.