Quan chức IMF: Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển từ số hóa và chuyển đổi xanh

Giám đốc khu vực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong trung hạn, IMF kỳ vọng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội từ số hóa và chuyển đổi xanh, và dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 6,5%.

Giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Krishna Srinivasan. (Ảnh: IMF/TTXVN)
Giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Krishna Srinivasan. (Ảnh: IMF/TTXVN)

Giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Krishna Srinivasan cho biết tăng trưởng GDP bất ngờ tăng lên trong nửa cuối năm 2023, do nhu cầu nội địa thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi tại châu Á như: Malaysia, Philippines, Việt Nam; đáng chú ý nhất là Ấn Độ đã ghi nhận những bất ngờ về tăng trưởng tích cực.

Phát biểu họp báo về Triển vọng Kinh tế Khu vực châu Á và Thái Bình Dương ngày 18/4, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington (Mỹ), ông Srinivasan cho biết tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ước tính đạt 5% trong năm 2023 - cao hơn nhiều so với mức 3,9% ghi nhận năm 2022 và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo của IMF vào tháng 10/2023.

Ngoài ra, IMF dự báo tăng trưởng của khu vực này năm 2024 đạt 4,5%, theo đó châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng góp khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu.

Ông Srinivasan cho rằng việc thúc đẩy tăng trưởng phụ thuộc vào mỗi quốc gia. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, IMF kỳ vọng đầu tư sẽ đóng góp nhiều cho tăng trưởng.

Ở các nước châu Á mới nổi ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính. Tại một số nền kinh tế tiên tiến như Hàn Quốc, IMF kỳ vọng động lực tích cực từ xuất khẩu.

Đánh về kinh tế Việt Nam, ông Srinivasan cho biết trong trung hạn, IMF kỳ vọng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội từ số hóa và chuyển đổi xanh, cũng như tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% dựa vào rất nhiều tiềm năng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn và những nỗ lực đang được thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng.

Về vấn đề lạm phát, IMF khuyến nghị các ngân hàng trung ương châu Á tập trung vào lạm phát trong nước và tránh đưa ra các quyết định chính sách phụ thuộc quá mức vào các động thái dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Nếu các ngân hàng trung ương quá phụ thuộc vào các dự đoán của Fed, có thể làm suy yếu sự ổn định giá cả trong nước.

Ông Srinivasan cũng mô tả thách thức về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, theo đó IMF khuyến nghị các chính phủ nên tập trung vào việc củng cố để hạn chế sự gia tăng nợ công và xây dựng lại vùng đệm tài chính.

Cùng ngày, IMF nhận định các nền kinh tế thuộc Khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong năm nay so với dự đoán trước đó do cuộc xung đột tại Dải Gaza, các vụ tấn công nhằm vào hoạt động vận tải Biển Đỏ và sản lượng dầu thô giảm làm tăng thêm những thách thức hiện có về nợ cao và chi phí đi vay.

IMF điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với MENA xuống còn 2,7%, so với mức 3,4% đưa ra hồi tháng 10/2023. Tuy nhiên, con số này đã cải thiện so với mức tăng trưởng 1,9% của năm 2023.

IMF cho rằng nếu các yếu tố bất ổn giảm xuống vào năm 2025, tăng trưởng ở khu vực này sẽ lên mức 4,2%.

Tại MENA, những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ có nền kinh tế hoạt động tốt hơn khi IMF dự báo tăng trưởng của các nước này ở mức 2,9% trong năm nay, cao hơn 1 điểm phần trăm so với năm ngoái.

IMF đánh giá việc một số quốc gia tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu, nổi bật là Saudi Arabia, sẽ cản trở tốc độ tăng trưởng của các nước khai thác dầu mỏ ở khu vực MENA trong 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục