Quan chức G20 bàn về những rủi ro suy giảm của kinh tế toàn cầu

Quan chức G20 bắt đầu hội họp tại Lima của Peru, để chia sẻ quan điểm về tăng trưởng kinh tế và những rủi ro nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt giữa lúc kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Quang cảnh cuộc hộp tại Lima. (Nguồn: usinenouvelle)

Ngày 8/10, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bắt đầu hội họp tại Lima của Peru, để chia sẻ quan điểm về tăng trưởng kinh tế và những rủi ro nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt giữa lúc kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Sau cuộc họp vào đầu tháng Chín, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 có thể sẽ tập trung vào các diễn biến gần đây của nền kinh tế Trung Quốc và những tác động tiềm tàng đối với kinh tế toàn cầu.

 

Triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và những lo ngại về tác động từ sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi đã gây ra những biến động trên thị trường tài chính, điều có thể tăng sức ép lên Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề về cơ cấu.

Trước tình trạng đầu tư quá mức vào sản xuất và các khoản nợ xấu trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ Trung Quốc đang xúc tiến cải cách cơ cấu để tăng nội nhu và ổn định tăng trưởng.

Cũng liên quan đến tình hình kinh tế Trung Quốc, nhà cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Oliver Blanchard cho rằng khả năng kinh tế Trung Quốc lao dốc mạnh là không lớn, nhưng điều này nếu xảy ra sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu.

Ông cho rằng nguồn gốc của sự suy giảm có thể đến từ sự sụp đổ trong đầu tư của các công ty nhà nước và các chính quyền địa phương nhưng điều này là không thể.

Theo ông, trong trường hợp nhịp độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm một nửa xuống 3% thì sẽ có những vấn đề nghiêm trọng, những tác động lên giá hàng hóa là đặc biệt lớn, bởi Trung Quốc chiếm 50% nhu cầu toàn cầu về thép và đồng và sự giảm sút nghiêm trọng sẽ tác động đến các nước sản xuất hàng hóa như Nga, Brazil và Saudi Arabia, gây ra biến động cho các thị trường tài chính.

Phát biểu trong phiên khai mạc, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng bất chấp những nhiễu loạn, kinh tế thế giới đã trong giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, sức khỏe của kinh tế thế giới hiện nay chưa đủ mạnh để có thể đáp ứng nhu cầu việc làm của khoảng 200 triệu người trên toàn cầu.

Trước hội nghị, các bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí theo sát tình hình, đánh giá tác động và chú ý tới các rủi ro đang nổi lên, nhấn mạnh rằng tăng trưởng của toàn cầu không được như kỳ vọng.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, Thống đốc Ngân hàng trung ương Haruhiko Kuroda và người đồng cấp của Trung Quốc và Hàn Quốc cam kết tiếp tục tăng cường các kênh liên lạc và tiến hành các chính sách kinh tế vĩ mô kịp thời và hiệu quả để giữ vững đà tăng trưởng kinh tế trong nước và khu vực.

Tại hội nghị, thời điểm Mỹ nâng lãi suất có thể cũng là chủ đề chính được quan tâm thảo luận sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng trước quyết định chưa nâng lãi suất, do có những lo ngại từ phía nhà đâu tư rằng một quyết định vội vàng trong vấn đề này sẽ làm gia tăng hỗn loạn trên các thị trường tài chính.

Các nền kinh tế mới nổi lo ngại việc Mỹ nâng lãi suất có thể gây tình trạng thoái vốn, trong khi đồng tiền ở một số nước mới nổi đã mất giá mạnh so với đồng USD. Mặc dù Chủ tịch Fed Janet Yellen nói có thể là thích hợp để nâng lãi suất vào cuối năm nay, thời điểm cho quyết định này trở nên không rõ ràng hơn sau khi số liệu việc làm tháng Chín không được như kỳ vọng.

Hội nghị dự kiến kết thúc trong ngày và có thể sẽ không ra tuyên bố chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục