Trước ngưỡng cửa mất đi mọi quyền kiểm soát tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 27/3 đã vận đến "lá bài cuối cùng" trong tay khi tuyên bố sẽ từ nhiệm nếu các nghị sỹ ủng hộ hồi sinh thỏa thuận Brexit mà chính phủ nước này và EU đạt được hồi cuối năm ngoái, trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba chưa ấn định ngày tại hạ viện.
Xuất hiện tại cuộc họp với đông đảo sự hiện diện của các nghị sỹ đảng Bảo thủ cầm quyền, bà May lần đầu tiên trực tiếp nhắc đến cụm từ mà có lẽ không nhà lãnh đạo còn đương chức nào thực sự mong muốn, đó là "mong muốn tìm ra hướng tiếp cận mới và lãnh đạo mới" trong giai đoạn đàm phán tiếp theo với EU nhằm hoàn tất tiến trình đưa Anh ra khỏi "vòng tay" EU. Thủ tướng Anh nhấn mạnh sẽ từ nhiệm với một điều kiện tiên quyết: thỏa thuận Brexit của bà phải được thông qua để đảm bảo hoàn tất nhiệm vụ lịch sử của chính phủ - đáp ứng nguyện vọng của người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Trên thực tế, quyết định từ nhiệm không bất ngờ vì ngay từ khi ấn định ngày bỏ phiếu lần đầu với thỏa thuận Brexit hồi tháng Một vừa qua, Thủ tướng May đã tuyên bố sẽ từ chức trước cuộc tổng tuyển cử năm 2022. Nhưng khi Brexit ngày càng rơi vào vòng xoáy hỗn loạn, các cuộc bỏ phiếu lần lượt mang lại thất bại buộc Thủ tướng May phải đề nghị EU cho phép hoãn Brexit tới giữa tháng 4, bà đã được tư vấn rằng một lộ trình từ nhiệm rõ ràng hơn sẽ mang về một cái kết "êm thấm" cho Brexit.
Nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ có tư tưởng hoài nghi châu Âu khẳng định chỉ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu bà May đưa ra cam kết chắc chắn sẽ từ nhiệm, với hy vọng lãnh đạo mới sẽ có quan điểm ủng hộ Brexit rõ ràng hơn trong quá trình đàm phán các điều khoản quan hệ Anh và EU trong tương lai.
Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond nói rằng quyết định của Thủ tướng May "một lần nữa cho chúng ta thấy bà sẵn sàng đặt mục tiêu Brexit có trật tự lên trên bất kỳ điều gì khác". Tuy nhiên, động thái của bà như thường lệ lại vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, rằng bà cố chấp, không thừa nhận thực tế rằng các nghị sỹ không thích thỏa thuận của bà và trì hoãn Brexit chỉ với mục đích tìm "khe cửa hẹp" hồi sinh thỏa thuận vốn "đã chết từ lâu."
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn công kích cam kết từ nhiệm của bà "một lần nữa cho thấy tiến trình đàm phán Brexit thực chất bị nhiễu loạn vì vấn đề quản lý bên trong nội bộ đảng Bảo thủ" chứ không phải những nguyên tắc hay lợi ích cộng đồng.
Với nội bộ đảng Bảo thủ, quyết định của bà May ít nhiều tạo thay đổi. Một số nghị sỹ Bảo thủ ủng hộ Brexit từng quyết liệt phản đối gia hạn nay bắt đầu nao núng trước nguy cơ hiện hữu rằng Brexit thậm chí sẽ bị gia hạn lâu hơn nữa hoặc vĩnh viễn không xảy ra nếu thỏa thuận của Thủ tướng May không được thông qua. Những cơ hội gia hạn hoàn toàn có thể được phe ủng hộ ở lại EU nắm bắt và biến thành "miếng phản đòn" lật ngược tình thế để Anh và EU lại "về bên nhau."
[Lý do thỏa thuận Brexit trong tình trạng 'hôn mê']
Trên thực tế, cuối tuần qua, London đã chứng kiến cuộc biểu tình quy mô lớn nhất trong nhiều thập niên với hơn 1 triệu người tham gia cùng vô vàn khẩu hiệu kêu gọi chấm dứt tiến trình Brexit. Trong khi các nghị sỹ cứ xoay nhau trong mớ bùng nhùng chỉ trích, hoàn toàn có khả năng sẽ lại nổ ra nhiều cuộc biểu tình tương tự với quy mô lớn hơn, không phải chỉ riêng tại London mà ở nhiều nơi khác, với sự góp mặt của đầy đủ 48% cử tri Anh từng bỏ phiếu ủng hộ EU trong cuộc trưng cầu ý dân 2016, cộng thêm những người trong nhóm 52% ủng hộ Brexit nay đã chán ngấy tiến trình rối rắm này, để rồi khiến phe Brexit vỡ trận lúc nào không hay.
Vì lẽ đó, nhóm nghị sỹ Bảo thủ quyền lực ủng hộ Brexit mang tên Nhóm nghiên cứu châu Âu (ERG) đã lập tức họp để đề ra chiến lược ngay sau bài phát biểu của bà May. Nghị sỹ Conor Burns, thành viên nhóm này, cho biết nhiều thành viên ERG đã có sự chuyển biến quan điểm và ủng hộ thủ tướng.
Tuy nhiên, khả năng quyết định này có thể xoay chuyển tình thế vẫn mong manh khi nhiều người phản đối thỏa thuận có vẻ không lung lay, trong khi đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Ireland, đảng hợp tác chiến lược của chính phủ tại hạ viện, tiếp tục khẳng định sẽ bác bỏ thỏa thuận. Vẫn có ít nhất 15 nghị sỹ trong nhóm ERG khẳng định sẽ không bao giờ ủng hộ thỏa thuận của bà May.
Việc Hạ viện Anh không tìm ra phương án nào được đa số nghị sỹ ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu ngày 27/3 phần nào giúp củng cố quan điểm thỏa thuận Brexit của bà May là lựa chọn tốt nhất. Thỏa thuận này vấp phải sự phản đối của 230 nghị sỹ trong cuộc bỏ phiếu lần đầu hồi giữa tháng 1/2019 và 149 phiếu phản đối trong cuộc bỏ phiếu lần 2 hôm 12/3 vừa qua.
Để đảm bảo chiến thắng trong lần bỏ phiếu thứ 3, bà May cần "cái gật đầu" của ít nhất 75 nghị sỹ. Chính phủ Anh vẫn công bố kế hoạch sẽ đưa thỏa thuận của Thủ tướng May trở lại bỏ phiếu lần 3 vào ngày 29/3, nhưng Chủ tịch Hạ viên John Bercow, người có quyền quyết định có cho phép tổ chức bỏ phiếu lần 3 hay không, liên tục cảnh báo thỏa thuận Brexit sẽ không được đưa ra bỏ phiếu nếu không có sự thay đổi căn bản trong nội dung thỏa thuận, điều mà EU luôn khẳng định sẽ không xảy ra.
Giờ nước Anh đứng trước 4 lựa chọn: ủng hộ thỏa thuận của bà May và ra đi một cách có trật tự vào ngày 22/5 tới hoặc chia tay EU ngay trong ngày 12/4 mà không có thỏa thuận nào. Hiện cả hai phía Anh và EU đều không loại trừ khả năng này, phía EU khẳng định nguy cơ này đang ngày càng cao và đã hoàn tất chuẩn bị. Hoặc một kế hoạch mới, trì hoãn Brexit lâu hơn nữa, đồng nghĩa Anh sẽ phải tổ chức các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5 và EC từng đề xuất khoảng gia hạn này ít nhất là tới cuối năm 2019 hoặc dài hơn để điều chỉnh cả chiến lược Brexit.
Và lựa chọn cuối là Anh đơn phương hủy toàn bộ tiến trình Brexit. Khả năng này được cho là thấp nhưng không phải không thể xảy ra nhất là khi đã được Tòa Tư pháp châu Âu "bật đèn xanh" và sự cộng hưởng từ cuộc biểu tình hơn 1 triệu người tham gia hồi cuối tuần qua.
Nếu thỏa thuận của bà May bằng cách nào đó được thông qua, văn phòng của bà cho biết sẽ có cuộc đua lựa chọn người thay thế thủ tướng sau ngày 22/5, thời điểm muộn nhất Anh sẽ rời EU theo kế hoạch gia hạn mà hai bên đã thống nhất. Giới quan sát nhận định có quá ít đảm bảo rằng thỏa thuận của Thủ tướng Anh sẽ vượt ải hạ viện lần thứ ba và nếu có cơ may điều này xảy ra thì sẽ là một sự chênh lệch tối thiểu. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc trì hoãn Brexit là nhằm có thêm thời gian để khỏa lấp những khác biệt trong chính nội bộ Anh, nhưng có lẽ chiến thuật cần được thay đổi để tạo đột phá./.