Trong khi Godzilla phiên bản kỹ thuật số của điện ảnh Hollywood đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới, hình ảnh Godzilla nguyên bản - do một người mặc đồ cao su đóng giả - cũng đã quay trở lại màn ảnh rộng ở Nhật Bản.
Bản phim kinh điển năm 1954 với hơn hai tá phim phần tiếp theo đã được lên kế hoạch trình chiếu trong 2 tuần liên tiếp ở Tokyo nhằm kỷ niệm 60 năm sự ra đời của con quái vật đến từ biển cả.
Mặc dù chất lượng hình ảnh không được tốt và lớp hóa trang bằng nhựa của Godzilla quá dễ dàng để nhận ra, một thế hệ những người yêu phim ảnh mới vẫn thừa nhận họ thực sự ấn tượng với bộ phim.
“Tôi rất ngạc nhiên khi được thấy một Tokyo không phải như bây giờ, hiện đại và gọn gàng mà là một Tokyo khoảng 10 năm sau chiến tranh, hết sức ngổn ngang,” anh Kenichi Takagi, 44 tuổi tới xem phim cùng cậu con trai 10 tuổi chia sẻ.
Hình ảnh và âm thanh trong phim đã được cải tiến để có chất lượng tốt hơn, nhưng không có cách nào để giấu đi sự thật rằng con quái vật trong phim chỉ là một diễn viên mặc bộ đồ hóa trang. Tuy vậy, bộ phim vẫn thu hút người xem sau 6 thập kỷ như một bằng chứng cho thấy chủ đề về sự vô vọng của con người trước những thế lực không thể kiểm soát vẫn còn rất hấp dẫn người xem.
Bộ phim Gojira (một từ ghép giữa gorilla và kujira-cá voi trong tiếng Nhật) do Ishiro Honda làm đạo diễn và được hãng phim Toho phát hành tháng 11/1954 chỉ vài tháng sau tác phẩm kinh điển “Seven Samurai” (Bảy Samurai) của đạo diễn Akira Kurosawa. Bộ phim về con quái vật đã trở thành bom tấn thu hút 9,6 triệu người tới xem.
Trong phim, con quái vật bị đánh thức bởi một cuộc thử bom hydro, trồi lên khỏi mặt biển, bơi về phía Nhật Bản và tàn phá Tokyo như một sự minh họa cho thảm họa hạt nhân từng diễn ra ở đây.
Sự liên quan là vô cùng rõ ràng khi cùng năm đó, Mỹ đã cho thử nghiệm bom hydro trên đảo san hô Bikini ở nam Thái Bình Dương, khiến một chiếc thuyền đánh cá Nhật Bản bị phơi nhiễm phóng xạ. 23 thuyền viên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, và thuyền trưởng của chiếc thuyền sau đó đã chết. Đồng thời, sự kiện Hiroshima và Nagasaki xảy ra cách thời điểm đó chưa tới 10 năm cũng là cảm hứng của bộ phim.
Con quái vật đã trở thành biểu tượng cho việc con người tự ký bản ản tử hình cho những hành động của mình, nhưng đồng thời cũng là hình ảnh của một quốc gia thường xuyên phải hứng chịu thiên tai.
“Từ khi còn nhỏ cho tới lúc lớn lên, chúng tôi luôn hiểu rằng bão tố, động đất và nhiều thứ khác nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Gojira cũng vậy,” họa sỹ Yuji Kaida trả lời phỏng vấn bên lề triển lãm tranh về Godzilla của anh ở Tokyo.
Điều đặc biệt ở Godzilla, cũng là lý do cho việc có rất nhiều phần phim tiếp theo, là nó không thể bị thực sự đánh bại. Như những tai họa khác của tự nhiên, con người chỉ có thể thấy nó đến và đi, và cầu nguyện cho mình được sống sót.
Sadamitsu Noji, 34 tuổi, một fan trung thành của loạt phim suốt 20 năm qua chia sẻ: “Phía sau cơn giận dữ, Godzilla còn có rất nhiều cảm xúc khác. Mỗi một người xem đều có thể tìm thấy cảm xúc của mình ở con quái vật”.
Akira Takarada, diễn viên thủ vai Godzilla trong bộ phim gốc cho biết mình đã xem bản phim mới hai lần, và đồng ý rằng Godzilla là một sinh vật vô cùng phức tạp và xứng đáng với vị trí của nó trong lịch sử điện ảnh.
“Tôi nhận ra rằng Godzilla không đơn thuần chỉ là một kẻ phá hoại. Bản thân nó cũng chính là một nạn nhân của bom nguyên tử... Tôi không thể không cảm thấy đồng cảm với nó,” diễn viên 80 tuổi chia sẻ.
Gareth Edwards, đạo diễn phim Godzilla phiên bản 2014 cho biết thảm họa nguyên tử sau trận sóng thần ở Fukushima hồi năm 2011 khiến hơn 10.000 người phải di tản cũng là một sự kiện không thể bị bỏ qua.
“Truyền thống của phim khoa học viễn tưởng không hẳn là nói về tương lai mà là nói về hiện tại, thời điểm mà bộ phim được tạo ra. Chúng tôi không muốn làm một bộ phim nói về những sự kiện thật sự đã diễn ra ở Nhật Bản, nhưng với Godzilla, không thể làm một bộ phim nói về con quái vật với bối cảnh ở Nhật Bản mà không làm dấy lên câu hỏi về sự nguy hiểm của năng lượng hạt nhân”.