Chưa đầy 5 tháng sau ngày mở vòng đàm phán đầu tiên, Mỹ và Cuba hiện đã tiến rất gần tới việc khôi phục quan hệ ngoại giao và mở lại các Đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước sau hơn nửa thế kỷ đối địch.
Sau ba vòng đàm phán, có thể nói rằng các nhà ngoại giao lão luyện của cả Mỹ và Cuba đã cùng nhau đi một quãng đường dài bằng năm thế kỷ.
Rất nhiều rào cản đã được vượt qua và không quá lời khi nói rằng hai nước đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử, thời khắc khép lại quá khứ và cùng nhau hướng tới tương lai đang ở rất gần.
Mọi thứ đã sẵn sàng cho vòng đàm phán thứ tư về khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Washington và La Habana sẽ diễn ra tại thủ đô Washington vào ngày 21/5.
Tại vòng đàm phán này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán cầu Roberta Jacobson sẽ tiếp tục dẫn đầu phái đoàn nước chủ nhà, trong khi đứng đầu phái đoàn Cuba vẫn là Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal.
Dù không quá lạc quan khi dự báo về kết quả đàm phán, song giới chức ngoại giao Mỹ và Cuba đều khẳng định “hai bên đang ở gần nhau hơn bao giờ hết.”
Ngay trước thềm cuộc đàm phán, phía Mỹ cũng đã có hành động bày tỏ thiện chí khi tuyên bố Washington sẽ xem xét thay đổi cái gọi là "các chương trình ủng hộ dân chủ" tại Cuba.
La Habana nhiều năm qua vẫn kịch liệt phản đối những chương trình mà nước này cáo buộc là “huấn luyện trái phép các nhân vật chống đối chế độ” như thế, trong đó Mỹ đào tạo các khóa báo chí cơ bản và công nghệ thông tin tại một phái bộ đại diện ngoại giao nước này ở thủ đô của Cuba.
Theo giới chức Mỹ, Washington sẽ điều chỉnh chương trình này trong thời gian tới để phản ánh thực tế tại Mỹ và Cuba.
Các tuyên bố trên đã mở ra hy vọng loại bỏ một trong những rào cản lớn trên con đường khôi phục quan hệ song phương.
Giới chức ngoại giao Mỹ cũng khẳng định hai bên tới thời điểm này đã thu hẹp đáng kể những bất đồng liên quan tới vấn đề mở lại các đại sứ quán.
Phía Mỹ cũng gần như đáp ứng hai yêu cầu chính của phía Cuba là nới lỏng các hạn chế về tài chính và đi lại, đồng thời đưa La Habana ra khỏi cái gọi là “danh sách các nước bảo trợ khủng bố.”
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị Quốc hội Mỹ gạch tên Cuba khỏi danh sách nói trên và điều này sẽ diễn ra sau ngày 29/5.
Trước đó, Cuba hôm 18/5 cũng phát đi tín hiệu rằng nước này đã sẵn sàng thúc đẩy tiến trình đàm phán mở đại sứ quán, nối lại quan hệ, và La Habana không thấy bất kỳ trở ngại nào ở phía trước.
Trước những bước đi tích cực trên của hai bên, Vụ phó Vụ các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba Gustavo Machin nêu rõ nếu quan hệ ngoại giao song phương được khôi phục, các bộ phận đại diện cho lợi ích mỗi nước đặt tại Washington và La Habana sẽ được nâng cấp thành các đại sứ quán.
Theo ông, việc Mỹ tháng trước tuyên bố sẽ đưa Cuba ra khỏi "danh sách các nước bảo trợ khủng bố," cùng việc giúp La Habana tìm một ngân hàng để xử lý các tài khoản của nước này ở Mỹ đang tạo ra "những điều kiện chín muồi cho việc tái thiết lập các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước."
Việc khôi phục quan hệ ngoại giao mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình bình thường hóa quan hệ song phương sau hơn nửa thế kỷ đối địch.
Con đường phía trước không trải toàn hoa hồng và vẫn còn đó nhiều chông gai như sự chống đối của các nghị sỹ có tư tưởng bảo thủ ở Mỹ, điều kiện của La Habana yêu cầu Washington xóa bỏ cấm vận, vấn đề chủ quyền liên quan tới căn cứ quân sự Guantanamo, hay những tiêu chuẩn về dân chủ-nhân quyền mà Washington vẫn thường đặt ra trong các cuộc đàm phán ngoại giao.
Tuy nhiên, những khó khăn không thể khỏa lấp tâm lý hy vọng đang bao trùm bầu không khí chính trị tại Mỹ và Cuba trước thềm vòng đàm phán thứ tư. Thời điểm khép lại những điều bất công, phi nghĩa mà nhân dân Cuba anh hùng, đất nước Cuba anh hùng đã phải hứng chịu hơn 50 năm không còn xa./.