Quá trình chuyển tiếp tại Sudan đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng

Sudan đang phải vật lộn với sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái chính trị dân sự và quân sự, hai nhóm đang dẫn đầu quá trình chuyển tiếp theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực đạt được vào tháng 8/2019.
Quá trình chuyển tiếp tại Sudan đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng ảnh 1Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok (phải) chủ trì cuộc họp nội các khẩn cấp sau vụ đảo chính bất thành, tại Khartoum ngày 21/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/10, Thủ tướng Sudan cảnh báo rằng nước này đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất" trong quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân sự sau khi vị lãnh đạo độc tài lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ hơn 2 năm trước.

Phát biểu của Thủ tướng Abdalla Hamdok được đưa ra trong bối cảnh Sudan đang phải vật lộn với sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái chính trị dân sự và quân sự, hai nhóm đang dẫn đầu quá trình chuyển tiếp theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực đạt được vào tháng 8/2019.

Sự chia rẽ trong những tháng gần đây đã làm tổn hại các Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC), một liên minh dân sự bảo trợ dẫn đầu các cuộc biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Bashir.

[Thủ tướng Sudan công bố lộ trình giải quyết khủng hoảng chính trị]

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Hamdok nói rằng bản chất của cuộc khủng hoảng này là các lực lượng cách mạng và thay đổi không thể đạt được sự đồng thuận về một đề án quốc gia.

Điều này là do sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ lực lượng dân sự và quân đội, cũng như giữa hai lực lượng này với nhau. Một nhóm thuộc FFC gần đây đã tách khỏi khối dân sự và thành lập liên minh của riêng mình.

Các phe phái dân sự đối lập đã kêu gọi các cuộc biểu tình chống đối trong những ngày tới.

Các rạn nứt cũng được cho là ngày càng sâu sắc giữa dân thường và quân đội, đặc biệt là sau khi một cuộc đảo chính bị ngăn cản vào ngày 21/9.

Chính phủ cáo buộc các sỹ quan quân đội và dân sự có liên quan đến chế độ của cựu Tổng thống Bashir tiến hành cuộc đảo chính này.

Kể từ đó, một số chính trị gia dân sự đã đề nghị quân đội phải chịu trách nhiệm, nhưng Thủ tướng Hamdok bác bỏ những tuyên bố này.

Sudan cũng đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản sau khi những người biểu tình chống chính phủ phong tỏa một cảng quan trọng ở Biển Đỏ.

Thủ tướng Hamdok cam kết sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng này. Cuộc khủng hoảng mà ông đổ lỗi cho việc phía Đông "nhiều thập kỷ bị lãng quên và gạt ra ngoài lề xã hội."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục