Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu gặp trở ngại

Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch gia tăng có thể là một trở ngại cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên tới 1,5 độ C.

Nhà máy nhiệt điện Bobov Dol ở Golemo Selo, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà máy nhiệt điện Bobov Dol ở Golemo Selo, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo Thống kê Năng lượng Thế giới công bố ngày 20/6 cho thấy mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và phát thải năng lượng trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023, bất chấp tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch trong tổng các nguồn năng lượng toàn cầu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch gia tăng có thể là một trở ngại cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên tới 1,5 độ C, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng các tác động như nhiệt độ tăng cao, hạn hán và lũ lụt sẽ trở nên khắc nghiệt hơn.

Ông Romain Debarre từ công ty tư vấn Kearney bày tỏ hy vọng báo cáo này sẽ giúp các chính phủ, lãnh đạo thế giới và các nhà phân tích nhận thức rõ ràng về thách thức sắp tới.

Năm 2023 là năm đầu tiên Nga điều chỉnh dòng chảy năng lượng sang phương Tây, đồng thời cũng là năm đầu tiên không có những hạn chế đi lại lớn liên quan đến đại dịch COVID-19.

Báo cáo cho biết tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 620 Exajoule (EJ), đồng thời lượng khí thải vượt quá 40 gigaton CO2 lần đầu tiên.

Ông Simon Virley của công ty tư vấn KPMG cho biết trong một năm mà thế giới chứng kiến sự đóng góp của năng lượng tái tạo đạt mức cao kỷ lục mới, nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng từ nhiên liệu hóa thạch vẫn hầu như không thay đổi.Báo cáo đã ghi nhận những xu hướng thay đổi trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở các khu vực khác nhau.

Chẳng hạn như ở châu Âu, tỷ trọng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch giảm xuống dưới 70% lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

Giám đốc điều hành Viện Năng lượng Nick Wayth cho biết ở các nền kinh tế phát triển, nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch đang gần đạt đỉnh, trái ngược với các nền kinh tế ở Nam gồm các quốc gia đang phát triển và kém phát triển ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á, nơi mà phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống tiếp tục thúc đẩy sự gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo cho biết nhiên liệu hóa thạch chiếm gần như toàn bộ nhu cầu tăng tại Ấn Độ trong năm 2023, trong khi ở Trung Quốc, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng 6% lên mức cao mới.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chiếm hơn 50% tổng số năng lượng tái tạo được bổ sung trên toàn cầu trong năm 2023.

Viện Năng lượng cùng với các công ty tư vấn KPMG và Kearney đã xuất bản báo cáo thường niên này kể từ năm 2023 sau khi tiếp nhận từ Tập đoàn dầu khí BP. BP đã thực hiện báo cáo này, một tiêu chuẩn cho các chuyên gia năng lượng, từ những năm 1950./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục