Quả sung là một loại trái cây kỳ lạ. Khoa học ngày nay đã chứng minh được nó không phải là một loại quả đúng nghĩa, mà là một loại quả giả, trong đó phần cùi thịt không phải phát triển lên từ bầu nhụy mà là từ một số mô cận kề.
Quả sung chứa đầy hàng trăm hạt nhỏ có thể ăn được. Thịt quả dầy dặn màu hồng, có vị ngọt nhẹ, ăn rất hấp dẫn.
Quả sung không còn xa lạ gì trong nền ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là món sung muối giúp bổ sung hương vị cho bữa ăn. Nhưng tại Việt Nam, loại quả này vẫn chỉ được coi là là một món ăn phụ, hoặc thứ quà vặt hái ăn chơi cho những đứa trẻ ngày xưa.
Thế nhưng, tại nước Nga, từ thời xa xưa, nó đã được coi như một loại lương thực ngon và quý hiếm. Loại quả này đã được viết đến trong các cuốn sách cổ. Biên niên sử Ipatiev có nhắc đến quả sung trong một sự kiện vào năm 1183.
Tuy nhiên, dường như sau đó loại quả này đã bị bỏ quên trong vài trăm năm, cho đến khi nó được các thương gia châu Á mang đến Nga, với tên gọi là quả mọng vị rượu.
Quả sung đã được con người trồng như một loại lương thực từ hơn 1.000 năm trước hoặc lâu hơn nữa, được coi như là một trong những nguyên liệu lâu đời nhất từng xuất hiện trong chế độ ăn uống của loài người, bởi nó đã từng được nhắc đến trong Kinh Thánh.
Quả sung được thu hoạch mỗi năm hai lần, đầu tháng 8 và tháng 9. Và mặc dù trong các sách cổ ghi lại, sung có môi trường phát triển tốt nhất là ở Trung Đông, nhưng loại quả này đã trở nên quen thuộc trong ẩm thực Nga suốt một thời gian dài.
Từ tiếng Nga để chỉ quả sung - инжир (inzhir) - là tiếng Turkic. Tuy nhiên, từ này chỉ mới được dùng kể từ thế kỷ trước. Trước đó, trong các cuốn sách cổ, sung được gọi là quả mọng rượu vang, смоква (smokva), quả mọng smokva, quả mọng Smyrna (dường như để vinh danh thành phố thương mại Smyrna của Hy Lạp, ngày nay là Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ).
Khi sử gia Nikolai Karamzin mô tả một bữa tiệc được tổ chức để tôn vinh ngày sinh của Hoàng đế tương lai Peter Đại đế, ông đã viết về "những đĩa lớn đựng quả smokva, trái cây kẹo và chanh."
Trước đây, chỉ có quả sung khô mới được nhập vào Nga, bởi chúng có thể bảo quản được trong thời gian dài và đặc biệt rất ngọt. Và người Nga thích loại quả này đến nỗi từ "смоква" dần dần bắt đầu dùng để mô tả tất cả các loại hoa quả khô. Điều này rất dễ hiểu, bởi quả sung dần trở thành từ mang ý nghĩa chỉ tất cả các loại trái cây ngon và ngọt nhất.
Ngay cả vào cuối thế kỷ 19, bạn vẫn có thể tìm thấy công thức dạy nấu ăn của Nga có tên gọi là "bơ trái cây hoặc smokva" được làm từ nhiều loại trái cây khác nhau.
Các công thức nấu ăn cổ xưa của Nga với quả sung có món “nước sắc quả mọng rượu” với quả sung luộc trong mật ong và các loại gia vị như đinh hương, bạch đậu khấu, gừng.
Cuốn sách đầu tiên của Nga từ giữa thế kỷ 16 gồm các công thức nấu ăn và quản lý nhà cửa, "Domostroi," đã viết về một loại bánh mỳ ngọt làm từ quả mọng rượu. Vào thế kỷ 19, món cháo Guryev nổi tiếng được nấu cùng quả sung. Và cơn sốt ăn chay và ăn eat-clean vào đầu thế kỷ 20 đã dẫn đến sự xuất hiện của loại càphê làm từ lúa mạch và quả mọng rượu.
Trong những năm gần đây, quả sung được những người sành ăn tại Nga đặc biệt ưa chuộng, các món ăn từ loại quả này đã xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng, và đôi lúc còn dẫn đầu xu hướng ẩm thực trong một thời điểm.
Quả sung được người Nga ăn tươi, nướng, làm caramel, cũng như làm thành các loại kem lạnh và sorbet trái cây. Quả sung rất hợp với các loại thịt chim cút, thịt vịt, thịt bò nướng, củ cải đường nướng, patê, salad rau và tất nhiên là trong món tráng miệng với phomai mềm và phomai xanh.
Nhiều món ăn thú vị khác cũng được chế biến từ quả sung khô. Và đặc biệt, những món mứt và thạch ngon lành làm từ quả sung đã xuất hiện quanh năm trên các bàn ăn của người Nga./.
Hành trình thú vị của món mứt hoa quả trên bàn ăn người Nga
Cho đến trước thế kỷ 17, từ “mứt” trong tiếng Nga chỉ được dùng với nghĩa một thứ gì đó đã được đun sôi, thậm chí còn được dùng để mô tả quá trình chưng cất muối.