Bài 5: Khơi thông thị trường, hóa giải chuỗi cung ứng hậu COVID-19

'Quả ngọt' năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn

Sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, hồi phục của nhiều ngành hàng, kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp có đóng góp rất lớn từ Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Bài 5: Khơi thông thị trường, hóa giải chuỗi cung ứng hậu COVID-19

Thị trường sôi động, dòng chảy hàng hóa đã được thông suốt. Nghị quyết 43 của Quốc hội với những giải pháp đúng, trúng và được ban hành kịp thời như một liều thuốc bổ giúp “khơi thông” toàn bộ nền kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực giúp thị trường khởi sắc sau một thời gian dài chịu dồn nén của đại dịch COVID-19.

Để triển khai Nghị quyết 43, Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết với các giải pháp về điều hành cùng các gói hỗ trợ, qua đó giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, hóa giải sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới.

“ Vượt bão” thành công

Đợt dịch COVID lần thứ 4 bùng phát với tốc độ lây lan chưa từng có tại nhiều địa phương trong cả nước (giai đoạn 2020-2021), gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và chuỗi sản xuất công nghiệp.

Chưa bao giờ, các nhà máy phải đóng cửa để ưu tiên cho công tác phòng chống dịch còn công nhân phải chia ca để làm việc. Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất phải thực hiện “3 tại chỗ” để vừa sản xuất vừa chống dịch.

[Quả ngọt năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn]

Để phân phối hàng hóa, lần đầu tiên những chiếc phiếu đi chợ đã được phân phát tới từng khu dân cư theo ngày chẵn, lẻ. Thế nhưng, kể cả những thời điểm căng thẳng nhất, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn được đảm bảo dù việc đi lại bị hạn chế ở mức cao nhất.

Nhìn lại hai năm đại dịch diễn ra (2020-2021), ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương), cho rằng đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các chuỗi giá trị toàn cầu, với sự gián đoạn cả nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và nhu cầu của người dân.

Trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, các biện pháp phong tỏa được áp dụng tại hàng loạt nền kinh tế trên thế giới, điều này dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.

“Kinh tế khu vực và thế giới đối mặt với sự thiếu hụt lớn nguồn cung đầu vào trung gian cho các ngành công nghiệp và cú sốc này cũng lan truyền nhanh chóng thông qua các chuỗi cung ứng. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng, COVID-19 đã làm chậm, gián đoạn việc mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu vốn khá ổn định sau cuộc khủng hoảng tài chính,” ông Trịnh Minh Anh thông tin.

Trước những khó khăn rất lớn, hàng loạt các quyết sách quan trọng với nhiều biện pháp chưa có tiền lệ đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành một cách kịp thời, đồng bộ nhằm giúp nền kinh tế hóa giải mọi thách thức, lấy đà phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19.

Theo đó, đầu năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức một Kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách về phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện chịu tác động mạnh của dịch COVID-19. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, với tinh thần làm việc quyết liệt, vào ngày 30/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, phục hồi tăng trưởng sau đại dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chuyên gia nhận định việc ban hành Nghị quyết này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện nhất để cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, các quyết sách ban hành kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi giúp sản xuất-kinh doanh tiếp tục bứt phá, gặt hái được nhiều thành công sau khi "vượt bão" do đại dịch gây ra.

Đánh giá tổng kết hoạt động sản xuất-kinh doanh cả năm 2022, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dù 2022 là một năm đầy những biến động khó khăn, thách thức song kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 8,8% so với năm 2021.

Đặt trong bối cảnh hết sức đặc biệt giai đoạn vừa qua (2020-2021) mới thấy những kết quả đạt được là nỗ lực nổi bật của ngành, bởi dệt may là lĩnh vực chịu tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19, khi nguồn nguyên liệu bị gián đoạn, nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán, lao động khan hiếm, sản xuất gặp nhiều khó khăn…

Vì vậy, khi dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát tích cực, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.

“Để đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, của các cơ quan, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các khách hàng và đối tác, đặc biệt là người lao động đã luôn đồng hành giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức vươn tới mục tiêu phát triển bền vững,” Chủ tịch Vitas nhấn mạnh thêm.

Có thể khẳng định, về vĩ mô, sự lan tỏa khi thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ đã có tác động tích cực đối với nền kinh tế. Nhờ vậy, trong năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước cũng tăng trưởng mạnh mẽ, vượt so với năm trước khi xảy ra dịch COVID-19 (năm 2019).

Có được những kết quả trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết với quyết sách rất đúng, trúng và kịp thời về chủ trương mở cửa nền kinh tế, mở cửa bầu trời đã tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ cho nền là kinh tế phát triển. Kết quả là kinh tế vĩ mô trong năm 2022 tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng GDP đạt 8,2% và đặc biệt là năm thứ bảy liên tiếp Việt Nam có xuất siêu.

Còn với thị trường nội địa, sức mua hồi phục, công tác cung-cầu hàng hóa luôn được đảm bảo, tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt mức tăng 2 con số so với năm trước.

“Điều này chứng tỏ chủ trương của Đảng, Nhà nước là rất đúng, rất trúng và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng của doanh nghiệp là rất quyết liệt và có hiệu quả,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Doanh nghiệp chủ động tạo “bước ngoặt”

Bà Dương Thanh Thảo, Công ty cổ phần Gạo Ông Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Nghị quyết 43 của Quốc hội tiếp sức cho doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực từ tài chính, đổi mới công nghệ, quản trị đến tiếp cận thị trường. Bên cạnh những hỗ trợ về thuế, phí, công ty được các cấp, ngành hỗ trợ về chuyển đổi số, đào tạo về tiếp cận thương mại điện tử, tăng cường năng lực quản trị, kết nối chuỗi kinh doanh.

Với trường hợp của Gạo Ông Thọ, bà Thảo cho biết công ty có sự chuyển mỉnh rất lớn trong năm 2022. Trước đây, công ty này chủ yếu là cung cấp gạo đóng bao ra thị trường truyền thống với sản lượng khoảng 5.000 tấn gạo/năm. Song, sau khi được đào tạo nâng cao năng lực quản trị, công ty đã mạnh dạn đầu tư sản xuất gạo đóng túi có thương hiệu và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trên cả kênh truyền thống cũng như thương mại điện tử.

“Vẫn là 5.000 tấn gạo bán ra thị trường, nhưng sự khác biệt là công ty đã xây dựng được thương hiệu ngay trên thị trường nội địa và những túi gạo đã đến được trực tiếp tay người tiêu dùng. Đây là bước ngoặt thành công suất sắc của chúng tôi trong chặng đường kinh doanh vừa qua,” bà Thảo tự hào cho biết.

Doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo ngay tại thị trường nội địa. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Các chính sách hỗ trợ được đưa ra tại Nghị quyết 43 được đưa ra có phạm vi rất lớn và bao trùm, do đó bà Nguyễn Thị Minh Thu, Giám đốc điều hành chuỗi ba công ty Mỹ Nghệ và Đầu tư Thương mại Đông Phương, Công ty Ngọc Trai và Trang sức An Phú, Công ty Đầu tư Du lịch Legend Hạ Long, cho biết không cảm nhận cụ thể những lợi ích từ những gói chính sách đem lại.

Song, trên thực tế các chính sách hỗ trợ ngành du lịch phục hồi trong năm đã giúp công ty đón nhận lượng khách du lịch nước ngoài và các đơn hàng đạt khoảng 60% đồng thời số lượng công nhân quay trở lại làm việc khoảng 200 người, tương đương 70% so với trước đại dịch COVID-19.

Bà Thu chia sẻ một chiến lược kinh doanh rất “thú vị” - trong bối cảnh vực dậy kinh doanh, công ty không đặt mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận. Thay vào đó, công ty nỗ lực duy trì không tăng giá bán sản phẩm (mặc dù giá thành gia tăng) đồng thời áp dụng cách tính lương mới có lợi cho người lao động nhằm thu hút công nhân tay nghề cao, nghệ nhân nhiều kinh nghiệm (thu nhập của khối công nhân từ 15.000-30.000 đồng/tháng, nghệ nhân từ 40.000 đồng/tháng).

“Phương thức kinh doanh này có thể chưa được áp dụng nhiều trong thực tiễn, nhưng chúng tôi kỳ vọng với chiến lược kinh doanh bền vững, khách hàng truyền thống sẽ luôn ưu ái quay trở lại với công ty (khi có nhu cầu) đồng thời họ chính là những nhà truyền thông, giới thiệu khách hàng tiềm năng hiệu quả nhất cho công ty.

Bên cạnh đó, người lao động được yên tâm làm việc cũng như sáng tác, để tạo ra những sản phẩm độc đáo, có chất lượng cao và có tính cạnh tranh nổi bật trên thị trường,” bà Thu nói.

Không để đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống

Sau đại dịch COVID-19, trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, quan điểm, nhu cầu tiêu dùng, cách thức hoạt động và tổ chức đời sống xã hội của thế giới bị tác động sâu sắc.

Đáng chú ý, cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine trong quý 1/2022 lại bồi thêm một cú sốc thứ hai tiếp sau đại dịch COVID-19, đẩy giá dầu và nhiều loại nguyên, nhiên liệu tăng vọt khiến chi phí xuất, nhập khẩu trở thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, nguồn cung xăng dầu trong nước cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Hơn nữa, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gián đoạn tại một số thời điểm cũng ảnh hưởng tới nguồn cung cho thị trường. Chưa kể, giá dầu diesel lần đầu tiên tăng vượt qua giá xăng càng gây áp lực lên tăng trưởng cả năm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiểm tra công tác dự trữ xăng dầu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đánh giá khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã làm cho nguồn cung bị khan hiếm, không ổn định, giá xăng dầu thế giới cũng biến động phức tạp, khó lường.

Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 57- 85% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2022, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên tục với biên độ lớn.

Trong khi đó, từ đầu tháng 10 đến tháng 11, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+ và tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao trong quý 2 nhưng từ quý 3 giá lại giảm liên tục.

Hơn nữa, những biến động về tỷ giá cùng với các yếu tố ngoại cảnh như mưa bão đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về kho của doanh nghiệp, vì vậy làm chậm nguồn cung ứng xăng dầu trong một số thời điểm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản xuất, Bộ Công Thương đã lập tức giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm cho 10 doanh nghiệp đầu mối, đồng thời liên tục họp với các doanh nghiệp để đánh giá tình hình thực hiện tổng nguồn 9 tháng và phân giao kế hoạch quý 4 nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia để trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 83/CP và Nghị định 95/CP, nhằm giúp cho việc điều hành mặt hàng xăng dầu được linh hoạt, bám sát thị trường, qua đó đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho phát triển kinh tế và tiêu dùng của người dân.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến kỳ điều hành ngày 12/12, giá xăng đã xuống mức thấp nhất từ đầu năm 2022, hơn nữa nguồn cung xăng dầu được đảm bảo, đưa thị trường trở về mức bình thường, qua đó tạo đà cho việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm nay.

Đánh giá những thành công trên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 giữ ở mức thấp là thành công rất lớn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân chủ yếu do sự điều hành linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ; nhất là trong thúc đẩy sản xuất, tạo ra lượng hàng hóa phong phú cho thị trường; trong đó tập trung nhiều vào nhóm thực phẩm, nông sản nên mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng từng bước phục hồi, đẩy mạnh liên kết tạo ra sự thông thoáng, bảo đảm nguồn cung đầu vào, cơ bản khắc phục được tình trạng đứt gãy nguồn cung trước đây.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng nhận định sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, sự hồi phục của nhiều ngành hàng, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp có đóng góp rất lớn từ Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Hơn nữa, các quyết sách được ban hành kịp thời, vừa đúng và trúng đã tạo lòng tin, sự phấn khởi trong cộng đồng các doanh nghiệp, người lao động đồng thời tạo nên những động lực to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, hóa giải các thách thức, khó khăn, trở thành cơ hội cho nền kinh kế thích ứng linh hoạt và không ngừng tăng trưởng, phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá trong các nhóm chính sách hỗ trợ, nội dung quy định về miễn, giảm thuế phí đã được các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện khẩn trương, từ đó đã thẩm thấu vào nền kinh tế và các nhà phân tích đánh giá là tích cực và đạt được mục tiêu tốt nhất.

“Các chính sách này đi vào thực tiễn đã có hiệu ứng cao và công bằng với mọi đối tượng. Nhiều ngành hàng đang dần hồi phục, nhiều doanh nghiệp bước đầu kinh doanh hiệu quả, nền kinh tế từng bước phát triển. Những điều này có đóng góp rất lớn từ Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phục hồi,” ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, Nghị quyết 43 không chỉ tác động trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng mà cộng đồng doanh nghiệp còn đặt rất nhiều kỳ vọng vào các tác động lan tỏa. Trên thực tiễn, sự kỳ vọng và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện rõ khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng trong thời gian qua./.  

Bài 1: Nghị quyết 43 - Khởi nguồn cho sự phục hồi ấn tượng

Bài 2: Chính sách hỗ trợ đi thẳng vào "túi tiền" của doanh nghiệp

Bài 3: Hiệu quả từ những chính sách chưa từng có tiền lệ

Bài 4: Nỗ lực đưa nguồn vốn rẻ vào đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục