Trang mạng của Trung tâm Carnegie Moskva đã đăng bài viết bình luận về quan hệ Nga-Mỹ xung quanh vấn đề Ukraine và việc thực thi các thỏa thuận Minsk. Dưới đây là nội dung bài viết:
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến mới đây với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn chuyển việc thực hiện thỏa thuận Minsk từ phía châu Âu và Ukraine sang cho Mỹ.
Và để ông Biden nhận lấy trách nhiệm này, Nga đang tiến hành các cuộc tập trận gần biên giới với Ukraine và tập hợp ở đây đủ lực lượng cho một chiến dịch tấn công.
Xét trong bối cảnh Tổng thống Putin đang tìm kiếm công thức cuối cùng để sắp xếp lại không gian hậu Xô Viết, có thể thấy tín hiệu ở đây rất rõ ràng: nếu các thoả thuận Minsk không được thực thi, sức mạnh quân sự sẽ là biện pháp thay thế.
Hồi tháng 10, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, nói rằng nhằm giúp giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine, Mỹ không nhất thiết phải trở thành một phần của định dạng Normandy (gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức) bởi vì định dạng này có thể đứng độc lập. Phát biểu này có nghĩa là Moskva không cần châu Âu trong các cuộc hội đàm nghiêm túc về vấn đề Ukraine và rằng các cuộc đối thoại như vậy cần phải diễn ra trực tiếp giữa Moskva và Washington.
[Ông Lavrov: Quan hệ Nga-Mỹ hiện tệ hơn so với thời Chiến tranh Lạnh]
Đó cũng là ẩn ý đằng sau vụ việc gây tranh cãi khi Bộ Ngoại giao Nga công bố một số tài liệu trao đổi ngoại giao về vấn đề Ukraine giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov với những người đồng cấp Pháp và Đức: Moskva đang thể hiện rằng họ không có gì để trao đổi với những người bênh vực cho Ukraine và rằng các cuộc đàm phán cần được tổ chức trực tiếp với "người bảo trợ" cho Kiev là Washington.
Và đó cũng là lý do giải thích cho những lời phàn nàn của ông Lavrov rằng Nga đã đề xuất mời Mỹ tham gia vào định dạng Normandy, nhưng Đức và Pháp đã bác bỏ, cũng như giải thích cho những lời kêu gọi của ông Putin về việc cần có những đảm bảo vững chắc rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không mở rộng về phía Đông - điều mà chỉ Mỹ mới có thể hứa hẹn.
Bằng cách tập hợp quân đội ở biên giới giáp Ukraine, Nga muốn ám chỉ rằng việc Kiev không tuân thủ Thỏa thuận Minsk là dấu hiệu cho thấy họ mong muốn giành lại Donbass bằng vũ lực.
Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây không tin rằng Kiev có thể dũng cảm một cách liều lĩnh như vậy, mà thay vào đó coi đây là tín hiệu về một cuộc tấn công mà Nga sắp thực hiện.
Người Mỹ không muốn một cuộc chiến tranh xảy ra ở châu Âu bởi nó có thể khiến đồng minh Ukraine bị đánh bại và Mỹ sẽ phải quay trở lại đối đầu với Nga.
Việc không thể đáp trả bằng quân sự và các biện pháp trừng phạt không đủ mạnh sẽ khiến Mỹ trông có vẻ yếu đuối, lần thứ hai chỉ trong một năm, sau cuộc rút quân khỏi Afghanistan.
Trong tình hình này, tốt hơn hết là nên củng cố các thỏa thuận Minsk - hoặc các thoả thuận khác.
Từ thông cáo của Nga về cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden, cũng như các cuộc họp báo của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Mỹ thực sự chuẩn bị thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận Minsk.
Dù vậy, ông Biden không thể nhận trách nhiệm thực thi các thoả thuận Minsk chỉ đơn giản bởi vì Điện Kremlin đã thất vọng về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và châu Âu.
Làm như vậy sẽ có nghĩa rằng ông đang thực hiện những mong muốn của Putin, trong khi ông đã cam kết sẽ không nhượng bộ nhà lãnh đạo Nga.
Do đó, việc Nga tập trung quân ở biên giới và xuất hiện những đồn đoán về một cuộc tấn công của Nga và Ukraine là rất đúng lúc.
Để có thể xác nhận với Putin rằng Mỹ cam kết tham gia giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, Biden cần có thứ gì đó để trao đổi - chẳng hạn như cho cả thế giới thấy rằng ông đã cố gắng ngăn chặn Putin và ngăn chặn một cuộc chiến tranh.
Đó sẽ là một chiến công lớn và là lời biện hộ có sức nặng trước những người đã chỉ trích ông vì đã ngồi vào bàn đàm phán với Putin.
Vì lý do này, cùng với những lý do khác, những suy đoán về một cuộc chiến tranh sắp xảy ra ngày càng trở nên phổ biến ngay cả trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra và có nhiều tác động đến hành vi của các bên liên quan.
Nguồn gốc của những đồn đoán này là từ truyền thông, các chính trị gia và các chuyên gia phương Tây, chứ không phải từ Điện Kremlin, vốn thích triển khai các chiến dịch bí mật để đạt được mục tiêu của mình thay vì công khai điều động quân đội, cách giúp tăng vị thế đàm phán của Nga lên rất nhiều.
Ông Biden đã xuất hiện với tư cách là một nhà lãnh đạo ngăn chặn được một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, ngay sau cuộc hội đàm trực tuyến vừa qua không nhất thiết các bên sẽ có các động thái giảm leo thang và binh lính Nga được rút về doanh trại, như những gì đã từng xảy ra sau khi các bên đạt được nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh Geneva. Lần này, một sự xuống thang mạnh mẽ ngay lập tức có thể không diễn ra.
Ông Biden sẽ là nhà lãnh đạo ngăn chặn được chiến tranh nhưng không ngăn chặn được nguy cơ chiến tranh, cho đến khi Moskva nhìn thấy những bước đi tiếp theo của Washington trong vấn đề Ukraine và những dấu hiệu rõ ràng về việc đáp ứng những lo ngại về an ninh của Nga.
Chúng ta đang chứng kiến một số chuyển động về vấn đề này khi Tổng thống Biden đề xuất một cuộc họp riêng để giải quyết những lo ngại an ninh của Nga giữa Moskva và 5 nước quan trọng trong NATO - một định dạng bất thường có thể phù hợp với mong muốn của nhà lãnh đạo Nga, không có các thành viên NATO ở Đông Âu vốn là những nước có quan điểm cứng rắn nhất đối với Nga.
Thực tế là, Ukraine muốn tin rằng Mỹ cũng nhận thấy các thỏa thuận Minsk là không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, dù ủng hộ Kiev, Washington vẫn nhiều lần nói rằng các thỏa thuận Minsk là quan trọng nhất và thực sự là cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Mỹ không thể đưa ra những đảm bảo công khai rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO bởi điều đó sẽ khiến Mỹ bị mất mặt.
Ý định của Mỹ về vấn đề này chỉ có thể được tiết lộ thông qua những dấu hiệu gián tiếp trong vài tháng, hoặc thậm chí nhiều năm.
Đối với Moskva, tiến triển trong việc thực hiện các phần mà Kiev không hài lòng nhất trong các thỏa thuận Minsk, cùng với cuộc thảo luận về việc mở rộng NATO, sẽ cho thấy mối quan tâm của họ đang được xem xét nghiêm túc thay vì bị phớt lờ với mong đợi chúng sẽ dần bị quên lãng.
Vấn đề là Kiev đã sẵn sàng chờ đợi cho đến khi không ai còn quả quyết rằng các thỏa thuận Minsk phải được thực hiện.
Cũng như phương Tây đánh giá quá cao ảnh hưởng tuyệt đối của Tổng thống Putin, Moskva đã sai lầm khi coi Ukraine đơn thuần chỉ là một vệ tinh của Mỹ.
Phương Tây có thể có nhiều ảnh hưởng đối với Kiev, nhưng không gì có thể thay đổi được thực tế cuộc xung đột ở Donbass là nguyên nhân dẫn tới tâm lý chống Nga ở Ukraine, là cách để thu hút các đồng minh và liên tục gây sức ép với Moskva trong các vấn đề quốc tế.
Nga có thể hài lòng với một Ukraine trung lập, thân thiện, sử dụng song ngữ, nhưng điều đó sẽ bị nhiều người ở Ukraine coi là một bước thụt lùi nhục nhã.
Vì lý do này, nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột mới ở miền Đông Ukraine là hoàn toàn có thật.
Giao trách nhiệm thực thi các thỏa thuận Minsk cho Mỹ là nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Putin nhằm giải quyết vấn đề Ukraine trước năm 2024 - khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc - trong khuôn khổ pháp lý hiện hành.
Nếu điều đó không hiệu quả, Tổng thống Putin - nhà lãnh đạo đang củng cố di sản chính trị và lịch sử của mình trước năm 2024 - sẽ tìm kiếm những cách khác để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Có vẻ như những gì Tổng thống Putin đạt được ở Ukraine sẽ là yếu tố quyết định liệu ông có thể tiếp tục cầm quyền sau năm 2024 hay không.
Đó không phải là điều mà ông muốn để lại cho những người ít kinh nghiệm hơn giải quyết hay chia sẻ công lao trong trường hợp thành công. Còn trong trường hợp thất bại? Nếu chưa đạt được chiến thắng thì có thể chưa phải lúc để từ bỏ./.