Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 Hà Nội-Thái Nguyên dù đã được khởi công từ cuối năm 2009 và ấn định thời gian hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, theo đơn vị quản lý dự án và các nhà thầu, công tác giải phóng và xử lý nền đất yếu tại địa bàn các huyện của Hà Nội khiến nhiều đoạn trên tuyến đường không thể thi công, ảnh hướng đến tiến độ dự án. Ông Mặc Văn Nghiệp, Phó phòng điều hành dự án 5 (PID5, Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: “Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 chỉ có thể thông xe đúng hẹn gói PK2 (dài 34 km) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bởi công tác giải phóng mặt bằng đã được làm rất tốt và hoàn thành. Hiện tại, các nhà thầu đang vào cuộc quyết liệt và chỉ thi công hoàn thiện phần mặt đường.” “Riêng các gói PK1 nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn (Hà Nội), hiện nay không ai có thể khẳng định được tiến độ vì nhà thầu chỉ có thể thực hiện thi công khi mà địa phương phải bàn giao được mặt bằng,” ông Nghiệp khẳng định. Tiến độ “rùa”... Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó phòng điều hành dự án (PID5, Ban Quản lý dự án 2) cho biết, đến nay, các địa phương đã bàn giao 58,523km/61,313km, còn lại gần 2,8km chưa bàn giao mặt bằng, lại theo kiểu "xôi đỗ" (vẫn còn rải rác nhà dân) nên trên thực tế các nhà thầu chỉ có thể thi công 57,98km. Hầu hết, mặt bằng tuyến đường bị vướng mắc chủ yếu nằm ở các điểm giao cắt tại các huyện của địa bàn Hà Nội. Theo ông Hà, dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 đi qua địa bàn Hà Nội được chia làm 3 gói thầu PK1A, PK1B, PK1C có chiều dài 26km với thời gian thi công toàn tuyến là 42 tháng, nhưng có tới 3 khu vực có 5 điểm cắt ngang chưa thể giải phóng mặt bằng. Điển hình, gói thầu PK1A dài 7 km từ Gia Lâm-Đông Anh tại thôn 1 xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) dự án đi qua đến thời điểm này 32 tháng/42 tháng vẫn chưa có mặt bằng sạch để nhà thầu có thể làm đường. “Chỉ tính riêng gói thầu PK1A của Tổng Công ty xây dựng Thăng Long (đơn vị trúng thầu) vẫn có tới 16 điểm ‘xôi đỗ’ về mặt bằng, có điểm chỉ có 1 đến 2 hộ dân vẫn nằm ‘chình ình’ trên đoạn đường được thi công đã dẫn đến tiến độ ‘ì ạch’ của dự án,” ông Hà cho hay. Lý giải cho vấn đề chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, ông Hà thừa nhận, việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư không kịp thời, chưa có tiền đầu tư trước các khu dân cư khi dự án được khởi động. Hơn nữa, việc áp dụng chính sách bồi thường theo Nghị định 69/2009 NĐ-CP đã làm tăng kinh phí bồi thường. Cùng chung quan điểm đó, Đại tá Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án PK1B đoạn Đông Anh-Yên Phong thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cho biết, cả gói thầu dài hơn 10,8km thì còn khoảng 500m cần phải xử lý đất yếu thuộc địa phận xã Dục Tú (Đông Anh) hiện nay vẫn chưa được bàn giao mặt bằng do dân chưa đồng tình với giá đền bù. Cũng tại gói thầu này, công trình cầu vượt đường ngang số 1 xã Vân Hà (Đông Anh) chỉ làm được vài ba trụ cầu và "đắp chiếu" hoàn toàn trong thời gian hai năm qua vì vướng đường điện 110kV cản lối mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có công điện tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết, thành phố Hà Nội chỉ đạo địa phương và bố trí vốn để xử lý. Theo Đại tá Tiến, đến tháng 12 tới đây, hệ thống đường diện này mới có thể giải phóng xong xuôi, khi có mặt bằng đến đâu, Ban Điều hành yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương tổ chức thi công đến đó. Ngoài ra, các đơn vị trúng thầu cũng thừa nhận khó khăn do các điểm chưa được bàn giao mặt bằng lại nằm trong vùng đất yếu đòi hỏi thời gian xử lý dài, ít nhất là 6 tháng, có nguy cơ làm chậm tiến độ dự án. Theo Đại tá Nguyễn Viết Đoan, Giám đốc Ban điều hành dự án của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho hay, đơn vị chỉ đảm nhiệm hơn 5,3 km và mố cầu Phù Lôi thuộc gói thầu PK1C trên địa bàn Sóc Sơn nhưng hiện vẫn có 4 khu dân cư chưa chịu bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. “Hiện tại, các gia đình vẫn sinh hoạt bình thường và chưa có động tĩnh di dời. Khi đơn vị đưa máy móc đến thì người dân ngăn cản, không cho thi công,” Đại tá Đoan thành thật. Hơn nữa, theo Đại tá Đoan, cầu Phù Lôi có tới 180m có nền đất yếu vẫn chưa có mặt bằng, thời gian xử lý cũng mất tới gần 6 tháng bằng các biện pháp kỹ thuật xử lý búa khoan cọc cát, đóng lún… Đại tá Đoan khẳng định: “Thời gian xử lý nền đất yếu không thể tùy tiện hay rút ngắn. Nhà thầu vẫn đang chờ đợi từng ngày để có mặt bằng thi công đồng thời sẽ phải tìm ra phương án tối ưu nhất để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình.” ... Nhưng liên danh nhà thầu vẫn "cam kết" Trái ngược với các gói thầu PK1, đến nay, toàn bộ gói PK2 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cơ bản đã làm xong nền móng đường và đang thực hiện dải đá cấp phối, lu lèn, dải nhựa và hoàn thiện các hạng mục kỹ thuật. Theo ông Nghiệp, trong tổng số 34 km gói PK2 đi qua tỉnh Thái Nguyên đã có 2.680 hộ dân bị ảnh hưởng và 600 hộ di dời tái định cư. Do địa phương đã làm rất tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên đã tạo nhiều điều kiện cho đơn vị thi công và có thể hoàn thành theo đúng tiến độ của dự án đề ra. “Sự vào cuộc quyết liệt từ Ủy ban Nhân dân các cấp của tỉnh Thái Nguyên trong việc tạo mặt bằng sạch cho đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ dự án,” ông Nghiệp bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, dù đã có mặt bằng, các nhà thầu cũng chỉ huy động vài ba xe lu, xe xúc hoạt động, cả gói cũng chỉ có vài đoạn nền đường được dải đá phôi, đá dăm. Trả lời cho thực tế này, ông Nghiệp tiết lộ: "Có những đoạn vừa đổ xong mặt bằng đang chờ nghiệm thu nên rút bớt máy móc.” Ông Nghiệp cũng khẳng định: “Mặc dù tiến độ dự án so với ban đầu chậm đôi chút nhưng liên danh các nhà thầu sẽ cam kết thông tuyến Thái Nguyên-cầu Phù Lôi (Sóc Sơn) vào tháng 6/2013.” Để “thúc” tiến độ dự án, mới đây, Ban Quản lý Dự án 2 đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc thay thế 21 nhà thầu thuộc Dự án đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) sau khi Bộ Giao thông vận tải tiến hành kiểm điểm và đốc thúc tiến độ thi công dự án. Theo Ban Quản lý dự án 2, nguyên nhân thay thế các nhà thầu này là do các đơn vị tham gia thi công không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Ông Hidefumi Ezawa, Giám đốc Tư vấn dự án Quốc lộ 3 cho rằng, một số nhà thầu không đủ năng lực làm, thiếu máy móc trang thiết bị vật tư để đáp ứng tiến độ dự án đã được thay thế. Lý giải cho thực tế này, ông Ezawa thừa nhận, tỷ lệ nhà thầu chưa làm hết sức, chưa tăng ca, thời gian thi công lại không lấp đầy cả ngày. Đơn vị tư vấn buộc phải “thúc” nhà thầu thường xuyên và liên tục về tiến độ thi công của dự án. Ngoài ra, ông Ezawa cũng cho rằng, việc hợp tác giữa nhà thầu thi công với người dân địa phương gặp nhiều khó khăn do dân tìm mọi cách ngăn cản công đoạn vận chuyển vật liệu liên tục bị gián đoạn đã làm chậm tiến độ. Đặt ra câu hỏi chất lượng công trình có bị anh hưởng bởi các điểm chưa giải phóng mặt bằng sẽ không thể thi công thành chuỗi đường, ông Ezawa khẳng định: “Việc thi công chỉ bị ảnh hưởng đến trình tự các dự án còn chất lượng sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ.” Ông Phan Quốc Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long cho biết: “Dự án cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, chúng tôi có chậm một chút vì vướng giải quyết thủ tục tài chính. Tuy nhiên, tôi vẫn đảm bảo phần việc của mình đúng tiến độ.”/.
Dự án đường cao tốc Hà Nội-Thái nguyên có chiều dài 61,3 km, điểm đầu tuyến Km0+000 (Km152+400 QL 1A mới), điểm cuối Km63+313 (Km62+860 tuyến tránh Thái Nguyên); mặt cắt 34,5 m, vận tốc thiết kế 100 km/h, 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Dự án chia thành 4 gói thầu xây lắp chính (PK1-A dài 7 km từ Gia Lâm- Đông Anh; PK1-B dài 10,82 km, từ Đông Anh- Yên Phong; PK1-C dài 9,08 km từ Yên Phong- Sóc Sơn và PK2 dài 34,4 km từ Sóc Sơn- Thái Nguyên) . Đơn vị trúng thầu là liên danh: Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8), Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) với thời gian thi công toàn tuyến là 42 tháng. |
Việt Hùng (Vietnam+)