QL 3 mới đoạn Thái Nguyên sẽ thông xe vào 13/7

Cao tốc Quốc lộ 3 mới chỉ hoàn thành và tiến hành thông xe được đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên vào ngày 13/7 tới đây.
Theo thông tin mới nhất, dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) được ấn định thời hạn thông xe toàn tuyến vào ngày 31/12/2013; trong đó riêng đoạn thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng tuyến vào ngày 13/7 tới đây. Ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 (Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải), cho biết dự án chỉ thông xe được nửa tuyến đường là do vướng mắc trong công tác bàn giao giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hà Nội đã làm chậm tiến độ của tuyến cao tốc trên. Chỉ thông xe… có nửa tuyến

Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên được khởi công từ cuối năm 2009 và dự kiến ban đầu là sẽ được “chốt” tiến độ hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6/2013. Dự án được chia làm 4 gói thầu chính; trong đó có qua địa bàn Hà Nội, với 3 gói thầu PK1A, 1C, 1B và gói PK2 trên địa bàn Thái Nguyên.
Tuy nhiên, theo ông Long, dự án trên chỉ có thể thông xe gói PK2 (dài 34 km) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vào ngày 13/7 tới đây, chậm gần nửa tháng so với kế hoạch được giao ban đầu bởi quá trình thi công hoàn thiện gói thầu gặp khó khăn khi phải chờ địa phương phải xử lý dứt điểm một số điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
"Riêng đoạn tuyến thuộc địa phận Hà Nội sẽ thông xe vào tháng 12/2013, chậm hơn 6 tháng so với dự kiến lúc khởi công do hiện nay vẫn vướng mặt bằng của hơn 60 hộ dân và 2 đường điện chưa thể di dời. Vì thế, các đơn vị không thể vào để thi công dẫn đến tiến độ 'ì ạch,” ông Long cho hay. Có mặt tại gói thầu PK2, theo quan sát của phóng viên Vietnam+, liên danh nhà thầu đều huy động máy móc, nhân lực, nguyên vật liệu thi công tiến hành trải thảm những mét bê tông nhựa. Rất nhiều xe lu, xúc đang san ủi, lu lèn nền đường để đảm bảo độ êm thuận cho đoạn vừa mới rải nhựa xong.
QL 3 mới đoạn Thái Nguyên sẽ thông xe vào 13/7 ảnh 1
Công nhân tiến hành trải thảm nền nhựa đường bêtông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngoài ra, từng hạng mục nhỏ lẻ như trồng cỏ giữa dải phân cách, hàng rào hộ lan, rãnh thoát nước dọc đoạn tuyến cũng được các đơn vị thi công tiến hành lắp đặt và thi công hoàn thiện gấp rút. Đánh giá đến việc gói PK2 sắp được thông xe, ông Long cho biết, địa phương Thái Nguyên đã vào cuộc quyết liệt, làm rất tốt công tác giải phóng mặt bằng cùng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giao thông đến từng nhà thầu nên dự án mới có thể hoàn thành hợp đồng đã đề ra. ["Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quốc lộ 3 mới"] Theo ông Long, cách đây gần 1 năm, PK2 – gói thầu xây lắp lớn nhất thuộc Dự án trị giá 1.520 tỷ đồng mới chỉ hoàn thành khoảng 50% khối lượng và trễ gần 7 – 8 tháng so với hợp đồng gốc. “Vào thời điểm đó, do vướng mặt bằng, năng lực thi công yếu kém của nhiều nhà thầu khiến  ít người tin rằng gói thầu có thể về đích đúng tiến độ như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải,” ông Long chia sẻ. Đề cập về năng lực của các nhà thầu tham gia thi công gói thầu này, với tư cách chủ đầu tư dự án, ông Long cũng thừa nhận, Ban quản lý đã phải “đuổi” ra khỏi công trường hàng chục thầu phụ yếu kém. Thậm chí, vào thời điểm thi công nước rút bắt đầu từ tháng 2/2013, một vài nhà thầu chính đã bị cắt khối lượng để điều chuyển cho các đơn vị mạnh "nhảy vào" ứng cứu để đưa tiến độ dự án về đích đúng hẹn. “Những đoạn có mặt bằng, liên danh nhà thầu đều cam kết hoàn thành theo đúng tiến độ. Vì thế, khối lượng dự án thay đổi từng ngày. Tư vấn giám sát, liên danh nhà thầu sẽ xem xét thay thế các đơn vị thi công không đáp ứng được yêu cầu công việc,” ông Long nói. “Cược” ghế với tiến độ toàn dự án Trong khi đó, theo báo cáo của Ban quản lý Dự án 2, tại Hà Nội, cả 3 gói thầu PK1 tiến độ “ì ạch” do ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng được các khu tái định cư dân. Đánh giá của đơn vị quản lý dự án và liên danh các nhà thầu cho thấy, chiều dài mặt bằng đoạn tuyến đã bàn giao đạt 97,2% và chỉ có thể thi công 96,2%. Lý giải cho vấn đề chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án 2 cho hay\ việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư không kịp thời, chưa có tiền đầu tư trước các khu dân cư khi dự án được khởi động. Hơn nữa, việc áp dụng chính sách bồi thường theo Nghị định 69/2009 NĐ-CP đã làm tăng kinh phí bồi thường. Cụ thể, tại địa bàn huyện Đông Anh còn vướng 10 hộ dân, do tiến độ giải phóng mặt bằng của địa phương không đáp ứng yêu cầu; huyện Sóc Sơn vẫn còn 420m (60 hộ dân) và 2 vị trí đường điện qua tuyến chưa di dời. “Nếu thành phố Hà Nội bàn giao những điểm còn vướng mặt bằng trong quý III/2013, đặc biệt là vị trí cầu Phù Lôi, các đơn vị thi công sẽ đưa toàn bộ dự án về đích trước ngày 31/12/2013,” ông Long cho biết. Nhằm “thúc” tiến độ tiến độ dự án, ông Long cũng đã phải tự “cược” vị trí Tổng giám đốc Ban quản lý dự án II với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trong việc hoàn thành mục tiêu thông xe phần lớn Gói thầu PK2 trước 30/6/2013 và thông xe toàn bộ Dự án dài 63,8 km từ Thái Nguyên về đến Hà Nội có tổng mức đầu tư lên tới 10.004 tỷ đồng này vào ngày 31/12/2013. “Hiện các nút giao được bổ sung trong quá trình triển khai đã hoàn thành được một số hạng mục, đang được tiếp tục thi công, hoàn thiện và khai thác đồng bộ toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc vào tháng cuối 12/2013,” ông Long nói./.
Dự án Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên có tổng chiều dài 61,3 km đi qua 3 địa phương là Hà Nội (23,8km), Bắc Ninh (8,2km) và Thái Nguyên (29,3km); trong đó có 19 cầu với tổng chiều dài 2,708 md và 6 nút giao khác mức.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh tháng 9/2012 là 10.004,59 tỷ đồng.

Dự án Quốc lộ 3 mới là một trong bảy tuyến cao tốc hướng về Hà Nội và kết nối với các tỉnh khu vực đồng bằng, trung du phía Bắc nên có tầm đặc biệt quan trọng.

Đây là đoạn tuyến đường cao tốc sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đầu tiên được hoàn thành và đưa vào khai thác tại Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông cho Quốc lộ 3 cũ hiện nay đang quá tải.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục