Cuộc tranh cãi về tiền bản quyền âm nhạc liên quan tới các chương trình phát thanh qua Internet đã bay tới Quốc hội Mỹ trong ngày 28/11, khi các nghị sỹ bắt đầu tranh luận về một đề xuất cải tổ hệ thống thu phí bản quyền. Pandora Media, công ty phát thanh qua Internet lớn nhất Mỹ, đã đẩy mạnh nỗ lực cải tổ khi nói trong buổi tranh luận rằng một hệ thống thu phí bản quyền nhiều lớp đang bóp nghẹt sự sáng tạo. Nhưng những người ủng hộ ngành công nghiệp âm nhạc lại than phiền rằng các nhạc sỹ và ca sỹ có thể bị thiệt hại nếu đề xuất sửa luật được thông qua. Giám đốc điều hành Pandora Joe Kennedy nói trước một ủy ban của Hạ viện rằng tình trạng "thiếu sân chơi bình đẳng là bất công và không thể bào chữa được." "Tình trạng bất công hình thành từ thực tế rằng Quốc hội đã ra các quyết định riêng biệt về phát thanh và luật bản quyền." Kennedy nói: "Kết quả là khi áp dụng vào việc thu phí bản quyền âm nhạc, chúng đã bóp nghẹt sự sáng tạo. Cấu trúc thu phí hiện nay là ví dụ rõ ràng cho thấy sự phân biệt chống lại Internet và các dịch vụ mang tính sáng tạo." Các nghị sỹ hiện đang cân nhắc một đạo luật được gọi là Luật Công bằng Phát thanh Internet, nhằm cân bằng lại tiền phí bản quyền phải trả cho mỗi ca khúc được sử dụng trong chương trình phát thanh số, không cần biết nó được phát qua Internet, dịch vụ cáp hoặc vệ tinh. Những người đề xuất luật nói rằng hệ thống thu phí bản quyền hiện nay đã được thiết lập trước khi người ta hình dung ra tiềm năng phát thanh qua Internet. Phí bản quyền ca khúc dùng trên phát thanh qua Internet hiện được thiết lập bởi một ủy ban gồm 3 thẩm phán về bản quyền. Nó khác hẳn so với mức 8% lợi nhuận của phát thanh qua vệ tinh hay 15% của phát thanh qua cáp. Pandora nói rằng công ty phải trả tới 50% doanh thu thường niên cho phí bản quyền, so với tỉ lệ chỉ chưa đầy 10% của công ty truyền thanh vệ tinh SiriusXM. Nhưng nghệ sỹ pop và nhà sản xuất Jimmy Jam, người đã điều trần thay mặt cho Viện Hàn lâm thu âm Hoa Kỳ, nói rằng dự luật sẽ gây thiệt hại cho những người tạo ra và sản xuất âm nhạc.
Jam nói rằng Pandora trả có 0,1 xu (100 xu = 1 USD) cho mỗi ca khúc mà họ phát trực tiếp qua Internet. "Khi Pandora nói với các ngài rằng họ phải trả quá nhiều tiền cho những nghệ sỹ sáng tác, vốn là xương sống của ngành công nghiệp, hãy nghĩ về con số bằng 1/10 đồng 1 xu và nhớ rằng số tiền nhỏ này được chia sẻ bởi chủ sở hữu tác phẩm, nghệ sỹ trình diễn, các nhạc công, các ca sỹ và nhà sản xuất." Michael Huppe tới từ nhóm Sound Exchange đại diện ngành công nghiệp âm nhạc nói rằng các thông tin mà Pandora đưa ra có thể gây hiểu lầm, bởi hiện họ đang cố tình hạn chế phát quảng cáo trong chương trình để thu hút thính giả. Họ sẽ xử lý vấn đề rất nhanh bằng cách tăng trở lại thời lượng quảng cáo. Huppe nói rằng đề nghị Quốc hội can thiệp vào thị trường để trợ giúp một công ty đang phát triển mạnh như thế sẽ là điều khó chấp nhận. Jeffrey Eisenbach, một học giả ở Viện nghiên cứu Kinh doanh Mỹ đã nói trước ủy ban điều trần rằng dự luật có thể bóp méo thị trường tự do. Nhưng Michael Petricone tới từ Hiệp hội Người tiêu dùng Điện tử đánh giá thị trường hiện đã trở nên méo mó rồi. "Thông qua việc áp phí cao quá mức lên các công ty phát thanh qua Internet, chính phủ gần như đã lựa chọn người thắng và kẻ thua trong thị trường âm nhạc số" - ông nói.
Linh Vũ (Vietnam+)