Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, ngày 5/7, kết thúc cuộc họp khẩn tại thủ đô Cairo, các ngoại trưởng của 4 nước Arab gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain ra một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh Qatar đã thể hiện "sự tự mãn và thiếu nghiêm túc" trong việc phản hồi bản yêu sách gồm 13 điểm của bốn nước này, trong đó bao gồm việc yêu cầu Doha chấm dứt hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và không can thiệp vào công việc nội bộ của những nước láng giềng.
Chiều 5/7, các ngoại trưởng của 4 nước Arab đã nhóm họp ở Cairo để thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan đến xung đột ngoại giao với Qatar, sau khi tiếp nhận phản hồi của Doha về các yêu cầu nói trên thông qua nước trung gian hòa giải Kuwait.
[Saudi Arabia và các nước đồng minh họp khẩn sau phản hồi của Qatar]
Tuyên bố chung nhấn mạnh Qatar đã thể hiện "sự tự mãn và thiếu nghiêm túc" trong việc phản hồi bản yêu sách của các nước Arab và vùng Vịnh.
Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến các bước tiếp theo để đối phó với Qatar.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp trên, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói rằng một cuộc họp khác về vấn đề này dự kiến sẽ sớm diễn ra tại Bahrain.
Trong một động thái có liên quan, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, trong đó ông Trump đã hối thúc các bên tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan đến Qatar.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump một lần nữa kêu gọi tất cả các nước cần dừng tài trợ khủng bố và tẩy chay tư tưởng cực đoan.
Về phần mình, Tổng thống El-Sisi khẳng định ông và người đồng cấp Mỹ có đồng quan điểm về cách thức đối phó với những vấn đề khu vực, đặc biệt là tiến trình hòa giải chính trị nhằm đóng góp cho an ninh và sự ổn định của khu vực.
Hôm 5/6, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.
Phía Doha luôn phủ nhận cáo buộc này.
Các nước trên sau đó đưa ra một tối hậu thư gồm 13 yêu sách, đồng thời đặt ra hạn chót cho Doha đáp ứng các yêu cầu này trong 10 ngày, kết thúc vào ngày 2/7.
Với các nỗ lực hòa giải của Kuwait, các nước Arab và vùng Vịnh ngày 2/7 đã nhất trí gia hạn "thời hạn chót" thêm 48 giờ nữa để Doha thực hiện các yêu cầu./.