Kết thúc Diễn đàn Doha thường niên ngày 11/12 tại Qatar, đa số các nhà lãnh đạo Trung Đông phản đối mọi hành động can thiệp quân sự nước ngoài tại Dải Gaza sau khi xung đột giữa Hamas-Israel chấm dứt.
Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani khẳng định không một quốc gia Arab nào sẽ cử các lực lượng để bình ổn Dải Gaza khi không còn giao tranh. Ông cũng thể hiện rõ quan điểm phản đối sự hiện diện của các lực lượng quốc tế tại Gaza trong điều kiện hiện nay.
Trong khi đó, Thủ tướng Jordan Bisher Khasawneh cảnh báo việc không giải quyết được vấn đề hậu chiến đồng nghĩa với tình hình tại Gaza sẽ trở nên tồi tệ hơn trong một hoặc hai năm.
Về phần mình, Thủ tướng Chính quyền Palestine (PA) Mohammad Shtayyeh khẳng định không được phép xóa sổ phong trào Hamas, bởi đây “là một phần không thể tách rời của nền chính trị Palestine.”
Trước diễn biến phức tạp tại Gaza, Qatar vẫn đang nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn mới giống với lệnh ngừng bắn kéo dài bảy ngày vào tháng trước kèm với đó là thỏa thuận giữa Hamas và Israel về trả tự do các con tin, tù nhân cũng như đẩy mạnh công tác cứu trợ nhân đạo.
Xung đột Hamas-Israel: Công tác cứu trợ của WHO tại Dải Gaza bị cản trở
Tổng giám đốc WHO cho biết một phái đoàn do WHO đứng đầu làm nhiệm vụ tại bệnh viện Al-Ahli ở Dải Gaza cuối tuần qua đã bị lực lượng Israel chặn lại 2 lần tại chốt an ninh Wadi.
Thủ tướng Thani nhấn mạnh các nước Trung Đông cần có chung trách nhiệm chấm dứt xung đột hiện nay và các bên liên quan cần trở lại bàn đàm phán để tìm ra giải pháp sau cùng.
Diễn đàn Doha là sự kiện thường niên do Qatar đăng cai, chủ yếu quy tụ các quốc gia khu vực Trung Đông để bàn về các thách thức lớn của thế giới.
Diễn đàn năm nay không đưa ra được các chính sách cụ thể, nhất là thiếu sự tham gia của các quốc gia như Saudi Arabia, Liban và Ai Cập.
Hãng tin AFP ngày 12/12 dẫn lời ba nhà ngoại giao cho biết quan chức của hơn 20 nước, trong đó có Israel nhưng không có quốc gia Arab nào, sẽ có mặt tại Paris vào ngày 13/12 để xác định chiến lược về cách thức hạn chế tài chính của Hamas và các hoạt động trực tuyến của phong trào này.
Hiện Pháp đang cùng Đức, Italy thúc đẩy để Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Hamas./.