Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh bắt nguồn từ việc bốn quốc gia vùng Vịnh áp đặt trừng phạt đối với Qatar cho thấy các nước trên không tính đến việc duy trì hệ thống Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và cuộc khủng hoảng này tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tới an ninh, sự ổn định trong khu vực Trung Đông.
Đại diện thường trực của Qatar tại Liên hợp quốc, Đại sứ Alya Ahmed bin Saif Al-Thani đã đưa ra lời cảnh báo trên vào ngày 26/6 trước khi tham dự cuộc họp chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo Đại sứ Al-Thani, căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay đã cho thấy những chính sách vô trách nhiệm. Bà cho biết Doha đang nối lại lời kêu gọi tất cả các bên đối thoại để giải quyết căng thẳng này, đồng thời hoan nghênh những nỗ lực hòa giải của Kuwait.
[Căng thẳng vùng Vịnh: 4 nước Arab không giảm sức ép đối với Qatar]
Ngoài ra, bà cũng cảnh báo nguy cơ sử dụng không gian mạng để đe dọa tới an ninh và chủ quyền của các quốc gia - một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi Qatar chấm dứt tranh cãi dẫn tới việc bốn nước vùng Vịnh áp đặt các biện pháp trừng phạt Doha. Ông đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đang ở thăm Mỹ.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Pompeo đã nhắc lại mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump là muốn chứng kiến các nước vùng Vịnh hòa giải và nhanh chóng tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Theo ông chủ Nhà Trắng, sự đoàn kết của các nước vùng Vịnh có ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng và góp phần đảm bảo an ninh khu vực.
Căng thẳng giữa Qatar và bốn nước vùng Vịnh gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabi, Bahrain và Ai Cập bắt đầu từ ngày 5/6/2017, khi bốn nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị. Động thái này đã dẫn tới một cuộc tranh cãi ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại khu vực vùng Vịnh.
Các nước Arab trên đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đóng cửa không phận đối với máy bay của Qatar và trục xuất công dân nước này.
Doha luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên và cho rằng những nước này muốn xâm phạm chủ quyền của Qatar. Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy, nhưng cho đến nay chưa mang lại kết quả./.