PVN đặt mục tiêu trụ vững ở mức giá dầu thô 30 USD mỗi thùng

PVN tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành mục tiêu khai thác hiệu quả; phấn đấu hạ giá thành sản xuất dầu thô từ mức trên 40 USD/thùng xuống còn 30 USD/thùng giai đoạn 2020-2025.
Giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong giai đoạn 2020-2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt mục tiêu hạ giá thành khai thác dầu thô bình quân để có thể trụ vững ngay cả khi giá dầu thô ở mức 30 USD/thùng.

Đây là khẳng định của Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2020-2025) diễn ra ngày 9/6, tại Hà Nội.

Theo ông Hùng, trong giai đoạn 2015-2020, PVN đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là với lĩnh vực cốt lõi là thăm dò khai thác. Cụ thể, cuối năm 2015, đầu năm 2016, giá dầu thô chỉ ở mức 30 USD/thùng và đến cuối 2020 giá dầu thô cũng rơi xuống mức dưới 40 USD/thùng.

Hiện tại PVN đang đối mặt với hai rủi ro lớn. Thứ nhất là hệ số gia tăng trữ lượng bù vào sản lượng khai thác đang ở mức báo động (0,54 lần) do đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò chỉ đạt khoảng từ 400-500 triệu USD, giảm 5 lần so với trước. Trong khi ở giai đoạn 2011-2015, hệ số này đạt 1,5 lần - mức an toàn để phát triển bền vững.

Rùi ro thứ hai là cho dù PVN đã kiểm soát được tương đối chi phí nhưng trong 21 lô mỏ đang khai thác (14 lô mỏ dầu và 7 lô khí) thì có 5 lô mỏ giá thành khai thác miệng giếng (UPC) vẫn đang cao hơn 25 USD/thùng.

Đó là các mỏ Sông Đốc, Đại Hùng, Thăng Long-Đông Đô, Ruby và Chim Sáo. Với sản lượng của 5 lô mỏ này cũng khiến giá thành khai thác bình quân của PVN bị ảnh hưởng khi giá dầu thô thế giới rơi xuống dưới mức 30 USD/thùng.

Đồng quan điềm này, Trưởng Ban khai thác của PVN Nguyễn Ngọc Hoàn cũng cho biết, hiện PVN vẫn đang đối mặt với khủng hoảng kép khi giá dầu lao dốc xuống mức thấp và đại dịch COVID-19 vẫn tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên thế giới, nhiều công ty dầu khí đã phá sản nhưng PVN đã đứng vững và từng bước phục hồi.

[Ứng phó kịp thời 'khủng hoảng kép,' PVN tránh khỏi tình trạng thua lỗ]

Hiện nay, PVN đã giảm được hơn 250 triệu USD chi phí vốn (CAPEX) và hơn 200 triệu USD chi phí hoạt động (OPEX); đưa khoảng 85% tổng sản lượng khai thác dầu khí của tất cả các đơn vị ở Việt Nam có giá thành khai thác miệng giếng (UPC) là 20 USD/thùng.

Trong giai đoạn tới, Ban Khai thác tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu khai thác hiệu quả; trong đó phấn đấu hạ giá thành bình quân sản xuất dầu thô từ mức trên 40 USD/thùng hiện nay xuống còn khoảng 30 USD/thùng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, PVN chưa cắt giảm được đáng kể giá thành dịch vụ dầu khí. Hiện giá thuê tàu kho nổi chứa và xuất dầu (FSO) và tàu khô nổi xử lý và xuất dầu thô (FPSO) vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí sản xuất dầu thô của PVN, ông Hoàn chỉ rõ.

Vì vậy, các đơn vị dịch vụ dầu khí cần có các giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thực hiện nghiêm tái cơ cấu để giảm được chi phí, giảm giá thành dịch vụ dầu khí.

Ngoài ra, lãnh đạo PVN cần cùng các đơn vị đưa ra một cơ chế để tất cả các đơn vị thành viên của PVN từ khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn có thể phối hợp và phát huy tối đa thế mạnh của các đơn vị trong cùng tập đoàn, ông Hoàn đề xuất.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đơn vị, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, nhiệm vụ của PVN trong giai đoạn 2020-2025 là ngoài việc đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, giải quyết rủi ro về hệ số trữ lượng thì phải gắn liền với công tác quản trị, đảm bảo trụ vững ở giá dầu 30 USD/thùng để có thể phát triển bền vững.

Với mục tiêu như vậy, PVN sẽ phải quản trị cả chuỗi không chỉ là hoạt động khai thác mà bao gồm cả hoạt động về thương mại và dịch vụ, ông Hùng khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn tới, PVN cần tập trung vào 2 nội dung chủ yếu.

Thứ nhất là xây dựng Đảng bộ vững mạnh, trọng tâm là kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đặc biệt là khơi dậy truyền thống văn hóa người lao động dầu khí để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

Thứ hai là PVN cần tập trung vào công tác quản trị để hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, tài chính; phấn đấu đưa giá thành khai thác dầu thô bình quân dưới 30 USD/thùng. Đây là chỉ tiêu cốt lõi để PVN có thể ứng phó với biến động giá dầu thế giới.

Ngoài ra, Tập đoàn chú trọng hơn nữa việc dự báo giá dầu để có thể có các dự báo xa và đa chiều, từ đó chủ động hơn trong hoạch định chiến lược, kiểm soát tốt rủi ro.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2020-2025, PVN sẽ đưa hai mỏ khí lớn nhất Việt Nam là mỏ khí Lô B và CVX vào khai thác. Khi hai mỏ này vào khai thác, tổng sản lượng của hai mỏ sẽ chiếm khoảng 60% tổng sản lượng khí khai thác của Việt Nam, vì vậy tạo điều kiện cho PVN tiếp tục ổn định sản lượng khai thác dầu quy đổi mặc dù trong giai đoạn tới PVN chưa có cơ hội gia tăng sản lượng dầu.

Trong năm 2020, PVN cũng sẽ đưa mỏ BK21 và SVĐN vào khai thác, giúp gia tăng sản lượng hàng năm, đồng thời khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Với những dự án triển khai trong năm 2020 và các năm tiếp theo, dự báo sau năm 2024, sản lượng khai thác dầu quy đổi của toàn tập đoàn ổn định ở mức 25-30 triệu tấn/năm, giúp PVN có cơ hội tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.

Theo báo cáo chính trị của PVN tại Đại hội, giai đoạn 2015-2020, tổng doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến đạt 3.397 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn dự kiến đạt 592 nghìn tỷ đồng; tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn dự kiến đạt 1.864 nghìn tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 170 nghìn tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân Công ty mẹ- Tập đoàn đạt 7,6%/năm.

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu Công ty mẹ Tập đoàn tại thời điểm 31/12/2019 là 0,35 lần; hệ số bảo toàn phát triển vốn Công ty mẹ Tập đoàn tại thời điểm 31/12/2019 đạt 1,02 lần - đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và phát triển của Tập đoàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục