PVN cam kết sớm đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào hoạt động

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014 nhưng đến nay dự án mới đạt khoảng trên 81% khối lượng.
PVN cam kết sớm đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào hoạt động ảnh 1Phối cảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Ngày 17/1, tại Thái Bình, Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) do ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình về tiến độ thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và những vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực tập đoàn quản lý.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã thông tin đến Đoàn công tác tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018; đề xuất một số kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tập đoàn quản lý.

Về dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết dự án do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia làm chủ đầu tư có công suất 1.200 MW, khởi công ngày 1/3/2011.

Dự kiến, nhà máy phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014 nhưng đến nay tiến độ rất chậm (mới đạt khoảng trên 81% khối lượng dự án). Việc chậm tiến độ trong thời gian dài của dự án đã ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh. Vì vậy, việc tiếp tục kéo dài tiến độ thực hiện dự án sẽ gây tổn thất lớn cho nhà nước, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị tập đoàn chỉ đạo điều động các nhân sự có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn hỗ trợ nhà thầu; tập trung bố trí vốn để thực hiện dự án; thực hiện điều chỉnh dự án khu nhà ở cán bộ, công nhân vận hành và sửa chữa nhà máy đồng thời, tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại của nhà máy, bảo đảm thời gian phát điện trong năm 2018 theo chỉ đạo củạ Thủ tướng Chính phủ.

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ từ 3-3,5 triệu tấn than/năm, đồng thời sẽ xả ra khoảng trên 1 triệu tấn xỉ than và lượng tro bụi khá lớn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị Tập đoàn sớm có phương án cụ thể giải quyết lượng xỉ than và tro bụi của nhà máy khi đi vào hoạt động, bảo đảm đúng các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra tỉnh Thái Bình đề xuất tập đoàn xem xét, hỗ trợ kinh phí hoặc kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để nạo vét luồng lạch, cửa sông ven biển khu vực vùng dự án để tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông đường thủy, phục vụ hoạt động của nhà máy.

Tại buổi làm việc, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định với quyết tâm cao, tập đoàn đang huy động các nguồn lực, tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề vốn, nhân lực, quyết tâm đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến đích trong thời gian sớm nhất.

Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết hiện tập đoàn đang tập trung xử lý các vấn đề tài chính và điều động thêm nhân lực từ các đơn vị như PVPower, Vietso Petro... để tham gia giải quyết các phần công việc mà PVC đang gặp khó khăn.

Về phương án xử lý tro xỉ, tập đoàn đã có kế hoạch xử lý triệt để lượng tro xỉ thải phát sinh theo quy định của Bộ Xây dựng, đảm bảo an toàn sự vận hành của Nhà máy và sức khỏe, môi trường khu vực xung quanh.

Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam còn trao đổi với tỉnh Thái Bình các vấn đề liên quan đến chương trình nạo vét luồng vào, nâng cao hiệu quả việc khai thác và sử dụng khí mỏ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục