PV GAS đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 45% so với doanh thu

Ban lãnh đạo PV Gas đề ra kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế năm nay ở mức 66.163 tỷ đồng và 6.636 tỷ đồng, lần lượt giảm tới 13% và 45% so với doanh thu và lợi nhuận thực hiện năm ngoái.
Người lao động Công ty PVGas. (Nguồn: pvn.vn)

Mục tiêu phấn đấu năm 2020 được Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Khí Việt Nam-Công ty Cổ phần (PV Gas) đưa ra là vận hành an toàn, hiệu quả và đảm bảo an ninh các công trình khí; đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư; cung cấp trên 9,2 tỷ m3 khí cho các hộ tiêu thụ.

Ban lãnh đạo PV Gas cũng đề ra kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế năm nay ở mức 66.163 tỷ đồng và 6.636 tỷ đồng, lần lượt giảm tới 13% và 45% so với doanh thu và lợi nhuận thực hiện năm 2019.

Theo Báo cáo thường niên năm 2019 của PV Gas, Hội đồng Quản trị doanh nghiệp này cho biết năm 2020 bên cạnh những ảnh hưởng của kinh tế, chính trị thế giới, nội tại PV Gas phải đối diện và giải quyết các vấn đề về biến động giá dầu.

Về chi phí bảo dưỡng sửa chữa ngày càng tăng theo số năm vận hành công trình khí; về suy giảm nguồn khí trong nước giá thấp trong khi nguồn khí mới bổ sung chưa được kịp thời hoặc sản lượng nhỏ, không còn thuận lợi về giá và chi phí đầu tư cao hơn, thủ tục, quy định về đầu tư phức tạp hơn so với trước đây...

Thực tế, doanh thu và lợi nhuận của PV Gas cũng đã sụt giảm mạnh trong quý 1 vừa qua.

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh quý 1 vừa qua của công ty này, PV Gas đạt 17.500 tỷ đồng doanh thu, vượt 14% kế hoạch quý nhưng giảm 6,6% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế của PV Gas đạt trên 2.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 2.100 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch quý, nhưng lại giảm tới 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mức lợi nhuận này là thấp nhất trong 9 quý gần đây, kể từ quý 4/2017.

Theo PV Gas, việc lợi nhuận sau thuế giảm mạnh chủ yếu do sản lượng khí giảm 10%, giá dầu Brent trung bình giảm 13%, giá dầu FO trung bình giảm 28%.

PV Gas cho biết, điều kiện kinh doanh trong quý 1 vừa qua của doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi vì dịch bệnh COVD-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã tác động và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm trong đó có khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

[Ngành dầu khí Việt Nam áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất thế giới]

Giá dầu giảm từ đầu tháng Hai vừa qua, liên tục giảm sâu trong tháng Ba vừa qua và đạt mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, thấp hơn nhiều so với giá kế hoạch (60 USD/thùng). Giá giá chuẩn thế giới của LPG liên tục giảm từ đầu năm. Số sự cố phía thượng nguồn xảy ra gây ảnh hưởng đến nguồn cung của khí.

Một số dự án lớn giai đoạn 2 Dự án đường ống dẫn khí NCS2 điều chỉnh, Dự án cải hoán GPP Dinh Cố để tiếp nhận khí NCS2... có tiến độ rất sát và phức tạp. Quá trình triển khai nhiều phát sinh phải xử lý, việc đảm bảo tiến độ hoàn thành là hết sức khó khăn.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), hiện nay giá dầu thế giới vẫn đang trong giai đoạn tương đối bất ổn do cầu giảm mạnh do dịch bệnh. Giá dầu giảm mạnh từ 60 USD/thùng đầu năm 2020 xuống còn khoảng 20 USD/thùng và biến động mạnh từ đầu năm 2020 đến nay.

Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến giá dầu và ảnh hưởng đến giá mua và bán khí thiên nhiên của PV Gas, điều này sẽ tác động đến doanh thu và lợi nhuận gộp của PV Gas trong thời gian tới.

Nhìn nhận ở mặt tích cực, PHS cho rằng, động lực tăng trưởng của PV Gas đến từ việc phân phối độc quyền khí thiên nhiên bằng đường ống từ các mỏ khí ở ngoài khơi vào đất liền.

PV Gas hiện là doanh nghiệp độc quyền nắm 100% thị phần khí thiên nhiên và là nhà cung cấp khí hóa lỏng LPG số 1 thị trường, chiếm 75% thị phần khí LPG.

Nhu cầu khí cho các nhà máy điện khí dự báo tiếp tục tăng trưởng cao do nhu cầu tăng. Trong dài hạn, thị trường LPG Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển nhu cầu LPG dân dụng và LPG cho khách hàng công nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của PV Gas (mã chứng khoán: GAS) đã giảm giá tới hơn 41,5% trong quý 1 vừa qua. Tuy nhiên, nửa đầu tháng Tư này, cùng với đà hồi phục của thị trường chung, cổ phiếu này đã tăng hơn 21,5%.

Tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, GAS có giá 66.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường đạt hơn 127.469 tỷ đồng, P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) ở mức 10,71 lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục