Ngày 17/12, tập đoàn sản xuất ôtô PSA của Pháp, công ty mẹ của hãng xe Peugeot đình đám, đã thông qua thương vụ sáp nhập với hãng liên doanh sản xuất ôtô giữa Mỹ và Italy Fiat Chrysler (FCA), để tạo nên nhà sản xuất ôtô lớn thứ 4 thế giới.
Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết hội đồng giám sát của PSA đã phê duyệt thỏa thuận "về một nhà" với FCA.
Biên bản ghi nhớ thỏa thuận này dự kiến sẽ được công bố trong ngày 17/12, trước khi các sàn chứng khoán ở Paris (Pháp) và Rome (Italy) mở cửa giao dịch.
Theo thỏa thuận, kế hoạch sáp nhập sẽ được hoàn tất thông qua việc tạo ra một công ty mẹ ở Hà Lan có trị giá khoảng 50 tỷ USD, trong đó các cổ đông của mỗi công ty hiện nay sẽ sở hữu một nửa.
[Vụ sáp nhập Fiat-Peugeot sẽ không bị ảnh hưởng bởi đơn kiện của GM]
Công ty sáp nhập sẽ có tổng doanh thu gần 170 tỷ euro/năm và 11 tỷ euro lợi nhuận hoạt động. Công ty dự kiến sẽ thuê hơn 400.000 nhân viên.
Ban lãnh đạo công ty mẹ ở Hà Lan sẽ có đại diện cân bằng từ hai công ty hiện nay, trong đó Chủ tịch FCA John Elkann sẽ làm Chủ tịch, trong khi Giám đốc điều hành (CEO) của PSA Carlos Tavares sẽ làm CEO.
Tổng cộng, ban lãnh đạo của công ty sáp nhập có 11 thành viên, gồm 6 đại diện của PSA và 5 đại diện của FCA.
Cuộc sáp nhập trên sẽ giúp cả hai tiết kiệm đáng kể vì có thể cùng chia sẻ các chi phí phát triển ôtô điện, dự báo sẽ thống trị hoạt động giao thông cá nhân trong tương lai khi thế giới đang nỗ lực giảm khí thải CO2 nhằm hạn chế biến đổi khí hậu.
Pháp đã "bật đèn xanh" cho dự án sáp nhập trên sau khi "giấc mơ chung một nhà" giữa hãng sản xuất ôtô Renault SA của Pháp và FCA đổ vỡ hồi tháng 6 vừa qua.
Chính phủ Pháp bày tỏ tin tưởng công ty sáp nhập sẽ huy động đủ vốn đầu tư để phát triển ô tô điện và xe tự lái./.