PSA Peugeot Citroën "gặp hạn" vì lệnh cấm vận với Iran

Lệnh trừng phạt bổ sung Mỹ và EU áp đặt chống Iran đã khiến PSA Peugeot Citroën phải từ bỏ Iran, thị trường lớn của tập đoàn này.
Lệnh trừng phạt bổ sung mà Mỹ và EU áp đặt chống Iran đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối PSA Peugeot Citroën của Pháp.

Vừa điêu đứng vì thị trường châu Âu ảm đạm, PSA vừa phải miễn cưỡng chấp nhận từ bỏ Iran, thị trường xuất khẩu lớn của tập đoàn này.

Với 458.000 trong tổng số 3,5 triệu xe bán được trong năm 2011, Iran là thị trường đứng thứ hai trên thế giới của các xe ôtô mang nhãn hiệu sư tử của Pháp.

Tổng số xe mà PSA tiêu thụ tại thị trường này hiện lên khoảng 1,6 chiếc.

Thông qua đối tác địa phương Khodro, PSA chiếm giữ 30% thị trường Iran. Nhưng tất cả những số liệu lý tưởng này có thể sẽ phải thay đổi theo chiều hướng nghịch trong năm nay.

Cuối tháng 3 vừa qua, UANI, một "Liên minh chống Iran vũ trang hạt nhân" tại Mỹ có lập trường thù địch với Iran, đã gây sức ép buộc General Motors, tập đoàn vừa ký thỏa thuận liên minh sản xuất ôtô với PSA, phải yêu cầu PSA ngừng mọi hoạt động giao thương với Iran.

Trong một thông cáo mới đây, GM khẳng định "Chúng tôi bảo đảm rằng Peugeot đã quyết định ngừng sản xuất và xuất khẩu thiết bị liên quan sang Iran trước khi chúng tôi ký thỏa thuận liên minh, và chúng tôi đã quyết định duy trì tình trạng đình chỉ này".

Tuy nhiên, phát biểu trên Donya Ehtessad, nhật báo kinh tế lớn nhất Iran, Javad Najmeddin, PDG của Khodro, lại khẳng định rằng "các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng tới các mối quan hệ giữa Khodro với PSA. Hai đối tác này vẫn tiếp tục làm ăn với nhau."

Đối PSA, việc ngừng xuất khẩu phụ tùng sang Iran "chỉ có tác động tương đối hạn chế về mặt tài chính", bởi thị trường này chỉ chiếm từ 1,5% đến 2% doanh số của tập đoàn (42,7 tỉ) năm 2011, tức là từ 640 đến 850 triệu euro.

Vấn đề là ở chỗ sẽ có 350 công nhân liên quan đến bộ phận sản xuất phụ tùng ôtô của PSA sẽ bị thất nghiệp và tập đoàn này tiếp tục phải đau đầu lo việc trợ cấp hoặc đào tạo lại và bố trí việc làm mới cho số người này.

Trước đó, PSA đang phải lo bảo đảm cuộc sống cho hơn 3.000 người có chung hoàn cảnh.

Nếu rút khỏi thị trường Iran, PSA sẽ mất 15% doanh số bán ra, và sẽ tiếp tục lao dốc trong những tháng tới.

Về phần mình, Khodro vẫn tiếp tục kinh doanh với dòng sản phẩm 405 và 206 đang ngày càng được địa phương hóa với hầu hết phụ tùng sản xuất trong nước.

Công ty này sẽ phải tìm giải pháp thay thế cho các phụ tùng bắt buộc phải nhập khẩu khi PSA thực sự chấm dứt hợp đồng./.

Nguyễn Tuyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục