Bạo chi nhất châu Âu

Premier League vẫn là giải bạo chi nhất tại châu Âu

Thị trường chuyển nhượng mùa đông tại Premier League năm nay có tổng giá trị giao dịch cao hơn năm ngoái, với 120 triệu bảng.
Thị trường chuyển nhượng mùa đông tại Premier League năm nay có tổng giá trị giao dịch cao hơn năm ngoái, song điều đáng chú ý là thêm một lần nữa, những câu lạc bộ chi mạnh tay nhất lại là những đội bóng đang vật lộn để trụ hạng. Tổng cộng 20 đội tại giải đấu cao nhất của Anh đã chi khoảng 120 triệu bảng (190 triệu USD) theo ước tính của hãng kiểm toán Deloitte. Con số này gấp đôi kì chuyển nhượng năm ngoái song vẫn thua mức kỉ lục 225 triệu bảng vào tháng Giêng năm 2011, chủ yếu đến từ hai bom tấn Fernando Torres từ Liverpool tới Chelsea (50 triệu bảng) và Andy Carroll từ Newcastle sang Liverpool (35 triệu bảng). Các thương vụ được thực hiện trong thời gian này chủ yếu đến từ tâm lý khủng hoảng và kết quả mới đây lại tiếp tục chứng minh điều đó bởi những đội mua sắm nhiều đều là những kẻ muốn thoát khỏi cuộc đua trụ hạng. Newcastle United đã kí hợp đồng với sáu cầu thủ mới (có tới năm người Pháp) trong khi đội bét bảng Queens Park Rangers còn hai lần phá vỡ kỉ lục chuyển nhượng của chính mình khi đưa về Loic Remy từ Marseille với giá 8 triệu bảng, ròi lại mua Christopher Samba từ Anzhi Makhachkala với 12,5 triệu bảng. Cùng với Liverpool, đội đã bỏ ra 12 triệu bảng để mua Daniel Sturridge và 8,5 triệu bảng để chiêu mộ Coutinho, đây là những đội bóng đã chi tiêu tới hơn nửa tổng giá trị kì chuyển nhượng mùa đông vừa qua. Trái với sự nhộn nhịp trên, nhóm những đội bóng dẫn đầu lại khá im ắng trên thị trường. Đội đầu bảng Manchester United đã mua về tiền vệ cánh 20 tuổi Wilfried Zaha với giá có thể lên tới 15 triệu bảng song vẫn cho CLB chủ quản Crystal Palace mượn tới cuối mùa. HLV Arsene Wenger của Arsenal lại đợi tới những giờ cuối cùng của kì chuyển nhượng mới đưa về hậu vệ cánh trái Nacho Monreal từ Malaga với giá 8,3 triệu bảng, “Thiếu gia” nổi tiếng là bạo chi Manchester City thậm chí còn không mua ai mà còn bán cả tiền đạo Mario Balotelli. Đại diện của Deloitte là Dan Jones nhận xét: “Các CLB tại Premier League đã giới hạn chi tiêu cho cầu thủ, bất chấp họ sẽ được tăng thêm khoảng 20,30 triệu tiền bản quyền truyền hình từ mùa tới.” Sự rụt rè của các đại gia có thể hiểu được là do luật Công bằng tài chính của UEFA, với việc những đội bóng để thua lỗ quá nhiều có thể sẽ không được tham gia các cúp Châu Âu. Bất chấp việc không có thương vụ chuyển nhượng bom tấn nào xảy ra, tổng số tiền được bỏ ra kể từ lần đầu tiên thị trường chuyển nhượng mùa đông được ra đời vào năm 2003 đã vượt mốc 1 tỷ bảng và Premier League vẫn tiếp tục là giải đấu bạo chi nhất Châu Âu. Tổng số tiền các đội bóng tại Italy bỏ ra tháng Giêng qua chỉ bằng khoảng 70 phần trăm Premier League. Con số tương tự tại Đức và Pháp lần lượt là 45 và 30 phần trăm. Theo Deloitte thì số tiền chuyển nhượng tại Liga là thấp nhất, bất chấp nguồn lực tài chính dồi dào của Barcelona và Real Madrid. Những Samba, Sturridge... sẽ phải đối mặt với một thử thách lớn bởi hiếm có thương vụ chuyển nhượng tháng Một nào thực sự thành công và tạo ảnh hưởng lớn tại CLB.
Premier League vẫn là giải bạo chi nhất tại châu Âu ảnh 1
Loic Remy ra mắt tại Newcastle (Nguồn: AFP)
Cho tới tận bây giờ, cả Torres lẫn Carroll đều được coi như những vụ chuyển nhượng thất bại nặng nề, trong khi Andrey Arshavin đã chìm ngỉm sau một khởi đầu xuất sắc tại Arsenal vào tháng Một năm 2009. Wenger nhận định: “Bạn luôn có sức ép phải mua sắm tại Anh và mọi vấn đề dường như đểu có thể giải quyết bằng cách mua cầu thủ.” “Song điều đó là không phải, nhất là với những cầu thủ tới từ một đất nước khác. Họ đến vào cuối tháng Một và khi họ kịp thích nghi thì mùa giải đã qua rồi”./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục