Pouyuen cắt giảm thêm hơn 5.700 công nhân: Thêm áp lực lớn về việc làm

Trong thời gian tới các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng, xung đột Nga-Ukraine... không được cải thiện thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.
Pouyuen cắt giảm thêm hơn 5.700 công nhân: Thêm áp lực lớn về việc làm ảnh 1Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh họa. PV/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình cắt giảm hàng nghìn lao động tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam.

Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá tình hình khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động là tình trạng tương tự của các doanh nghiệp dệt may, da giầy hiện nay.

Việc cắt giảm lao động đang được kiểm soát

Theo báo cáo, từ tháng 2/2023, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam đã thực hiện thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người kể từ ngày 1/4/2023.

Ngày 9/5 vừa qua, công ty tiếp tục thông báo phải thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn là 5.744 lao động, trong đó đợt 1 sẽ chấm dứt vào ngày 24/6 là 4.519 người, đợt 2 sẽ chấm dứt vào ngày 8/7 là 1.225 lao động.

Trong số lao động chấm dứt hợp đồng lao động có trên 80% nữ giới, khoảng 45% lao động từ 21 đến 40 tuổi, trên 50% lao động từ 40 tuổi trở lên, khoảng 60% lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên. Phần lớn lao động chấm dứt hợp đồng lao động là lao động phổ thông.

Trước tình hình trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, giải đáp các chế độ chính sách cho người lao động của công ty; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc.

Chính sách riêng của công ty là cứ mỗi năm làm việc tại công ty người lao động được chi trả 0,8 tháng tiền lương (tiền lương bình quân của 6 tháng theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt), trong thời gian báo trước việc chấm dứt hợp đồng, người lao động sẽ không đến làm việc nhưng vẫn được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung hỗ trợ người lao động bị mất việc làm]

Các cơ quan chức năng cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động quy định tại Luật Việc làm năm 2013; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thực hiện tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động.

Ngay trong quý 1/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh đã tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho lao động của công ty với 5 doanh nghiệp khác có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.000 lao động.

Cần có giải pháp đồng bộ

Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam gặp khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh vì thiếu các đơn hàng mới do các nước thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu về hàng hóa dệt may, da giày; trong khi đó chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu và tác động của xung đột Nga-Ukraine.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá về cơ bản việc cắt giảm số lượng lớn lao động của Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam đang được kiểm soát. Tuy nhiên, trong thời gian tới các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng, xung đột Nga-Ukraine... không được cải thiện thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, tạo thách thức lớn trong giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Các địa phương sẽ chịu áp lực lớn về giải quyết việc làm cho người lao khi số lượng lớn lao động trong các doanh nghiệp bị mất việc làm. Cùng với đó là áp lực trong việc bố trí nguồn lực để hướng dẫn và tổ chức thực hiện chi trả chính sách cho số lượng lớn lao động đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định; ngăn chặn tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần…

Để giải quyết được tình hình trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng cần phải có các giải pháp đồng bộ, như thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng....

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động thông qua việc hướng dẫn, đảm bảo chi trả các chính sách an sinh xã hội theo quy định; thực hiện các giải pháp để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định; tăng cường các hoạt động kết nối cung-cầu lao động để kịp thời điều tiết, hạn chế tình trạng nơi thừa, nơi không tuyển được lao động.

Trong thời gian này, các địa phương cần có giải pháp để nắm bắt, kịp thời ngăn chặn việc người lao động bị lôi kéo, kích động từ bên ngoài gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến người lao động đang làm việc.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo, có phương án hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về lao động, bảo hiểm xã hội hướng dẫn và tổ chức chi trả kịp thời các chính sách cho người lao động, đảm bảo đúng đối tượng; chỉ đạo tổ chức dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp ý kiến trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội trong tình hình mới; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần nắm bắt tình hình lao động, việc làm và nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động về kinh phí công đoàn…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục