Những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào tiến trình già hóa dân số khi số người cao tuổi không ngừng gia tăng, tỷ lệ sinh đẻ giảm.
Già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Song đây cũng là cơ hội để phát triển các ngành kinh tế theo hướng “kinh tế già,” vừa giảm thiểu áp lực già hóa dân số lên hệ thống an sinh xã hội vừa phát huy năng lực, vai trò của người cao tuổi - lực lượng được coi là vốn quý của xã hội.
Bước nhanh vào "tuổi già"
Số liệu thống kê của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ người trên 60 tuổi tại thành phố đang gia tăng nhanh. Nếu như năm 2019 tỷ lệ này là 9,3 % đến năm 2020 tăng lên 10,78% và thống kê mới nhất đến ngày 31/12/2023 là 12,24% (tương đương 1,338 triệu người).
Trong khi đó, mức sinh của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng giảm. Hiện trung bình mỗi phụ nữ ở thành phố trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 1,32 con, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế 2-2,1 con trên mỗi phụ nữ.
Trong gần 20 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xếp vào nhóm có mức sinh thấp của cả nước.
Theo Liên hợp quốc, khi người trên 60 tuổi trở lên đạt 10% nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số, 20% trở lên là cơ cấu dân số già. Chiếu theo quy chuẩn này, với tỷ lệ người cao tuổi chiếm hơn 12%, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu đi sâu và đi nhanh vào quá trình già hóa dân số.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận già hóa dân số tạo ra những thách thức cho cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng.
Già hóa dân số làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, người lao động nghỉ hưu, rời bỏ thị trường lao động càng nhiều áp lực gia tăng lên hệ thống an sinh xã hội và y tế. Cơ cấu nghề nghiệp trong xã hội sẽ thay đổi theo tiến trình già hóa dân số, gánh nặng kinh tế cho lao động trẻ cao hơn.
Xét về mặt gia đình, khi số người cao tuổi gia tăng cùng với tỷ lệ sinh đẻ giảm thì cấu trúc gia đình dần thay đổi. Nhiều gia đình hiện chỉ sinh một con theo công thức 4-2-1 (nghĩa là 4 ông bà, 2 bố mẹ chăm lo cho 1 con), trong tương lai toàn bộ gánh nặng dồn vào người con theo công thức ngược lại 1-2-4 (1 con chăm sóc 2 bố mẹ, 4 ông bà).
“Những hệ lụy này nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ là thách thức lớn cho sự phát triển của Thành phố,” ông Phạm Chánh Trung nêu quan điểm.
Thách thức trong đảm bảo chất lượng sống và chăm sóc y tế
Thành phố Hồ Chí Minh hiện là địa phương có tuổi thọ trung bình của người dân cao nhất cả nước với 76,5 tuổi, trong khi trung bình cả nước là 73,7 tuổi. Tuy nhiên, thống kê của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, ở đây hiện có khoảng 260.000 người hưởng chế độ lương hưu và các trợ cấp bảo hiểm hội.
Nếu so sánh với tổng số người cao tuổi thì chỉ khoảng 20% người cao tuổi có trợ cấp lương hưu. Như vậy, phần lớn người cao tuổi tại Thành phố không có thu nhập, phải sống dựa vào tiền tích lũy, phụ thuộc con cháu và số khác tự bươn chải mưu sinh.
“Số người cao tuổi được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không chỉ ít về số lượng mà còn thấp về mức hưởng. Vẫn còn có khoảng 70% người cao tuổi phải tự kiếm sống bằng các công việc khác nhau, thậm chí là những việc nặng nhọc, nguy hiểm,” Thạc sỹ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa-Xã hội, Viện Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
Thực tế, tại nhiều tuyến đường, khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh không khó để bắt gặp cảnh người cao tuổi mưu sinh bằng buôn bán nhỏ, thu lượm ve chai, lau dọn vệ sinh, trông giữ trẻ, bán vé số…
Ngày mưa hay nắng, ông Trần Văn Nam (73 tuổi, ngụ Quận 3) đều phải ra đường thu lượm vỏ chai bán lấy tiền. Mỗi ngày, ông Nam chỉ kiếm được từ 70.000-100.000 đồng nhưng đây là toàn bộ thu nhập để vợ chồng ông sống qua ngày.
Còn bà Nguyễn Thị Đường (67 tuổi, ngụ Quận 8) ngày nào phải thức dậy từ 5 giờ để dọn vệ sinh trong một chung cư gần nhà. Công việc này đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai nên bà Đường luôn cảm thấy mệt mỏi, đau nhức. Với tiền lương 5 triệu đồng/tháng, chỉ vừa đủ cho bà khám bệnh, uống thuốc và chi tiêu cá nhân, không thể tích lũy.
Không chỉ phải mưu sinh vất vả, người cao tuổi hiện vẫn chưa được chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Thống kê từ Chiến dịch khám sức khỏe cho người cao tuổi do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ tháng 9/2023 đến nay cho thấy tỷ lệ người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính không lây khá cao.
Cụ thể, trong số hơn 233.000 người cao tuổi được khám sức khỏe miễn phí có khoảng 57% mắc cao huyết áp, 23% bị đái tháo đường, 9% có dấu hiệu nghi ngờ hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bên cạnh đó, có khoảng 0,3% người cao tuổi có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng; 17,6% người có dấu hiệu tiền suy yếu và suy yếu…
Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh ước tính, trung bình mỗi người cao tuổi mắc từ 1-3 bệnh mạn tính. Trong đó, nhiều người vì điều kiện kinh tế nên không được thăm khám, chăm sóc sức khỏe thường xuyên khiến chất lượng sống người cao tuổi chưa cao.
Bên cạnh công tác an sinh xã hội, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi cũng là một thách thức cần được giải quyết./.
Bảo vệ nguyên khí quốc gia trong bối cảnh già hóa dân số
Trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng gia tăng, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được cả hệ thống chính trị xác định là nhiệm vụ trọng tâm.