Mệnh lệnh từ trái tim: Mở cánh cửa tương lai tươi sáng

Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, thậm chí hy sinh anh dũng trong thời bình, “Bộ đội Cụ Hồ” đang tiếp tục gắn bó máu thịt và để lại tình cảm quý trọng, tin yêu trong lòng nhân dân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cắt tóc cho các cháu nhỏ trong Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cắt tóc cho các cháu nhỏ trong Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình là ý Đảng hòa quyện lòng dân. Trong khát vọng dựng xây đất nước, Quân đội đang gánh vác nhiều nhiệm vụ quan trọng, vừa bảo vệ Tổ quốc, giữ vững hòa bình, vừa đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống chưa có trong tiền lệ, lại giúp đỡ nhân dân bằng cả trái tim, tấm lòng.

Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, thậm chí hy sinh anh dũng trong thời bình, “Bộ đội Cụ Hồ” đang tiếp tục gắn bó máu thịt và để lại tình cảm quý trọng, tin yêu trong lòng nhân dân.

Hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới đang giúp nơi phên giậu Tổ quốc đổi thay đáng kể, đời sống nhân dân ấm no hơn, nhiều bản làng đã khởi sắc. Trợ lực hành trình vượt khó vươn lên đó, có bóng dáng Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng chính quyền địa phương bằng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, thiết thực.

Từ đây, thế trận lòng dân, nghĩa tình quân dân nơi biên cương Tổ quốc ngày càng vững chắc, bền chặt.

Trợ lực giúp người dân biên giới

Xã biên giới Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, một ngày trung tuần tháng 12. Không khí khô lạnh mùa đông không ngăn được sự rộn ràng trên nương mận của chị Giàng Thị Chứa, dân tộc Mông. Xáo cỏ, vun gốc cho hàng trăm cây mận trải dài trên sườn đồi, chị Chứa hồ hởi nói: "Chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày thu được cả trăm triệu đồng một vụ."

Niềm vui của chị Giàng Thị Chứa bắt đầu từ năm 2017, khi những cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Chiềng Tương (Bộ đội Biên phòng Sơn La) vận động người dân thay thói quen trồng ngô trên những mảnh đất cằn cỗi, hiệu quả kinh tế thấp, bằng cây mận hậu. Lúc đó không có mấy hộ tin tưởng, thậm chí, diện tích 4,7 ha trồng mận mà Đồn Biên phòng làm mô hình thí điểm, hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân khoa học, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây, rồi chia đều cho 4 hộ nghèo trong xã cũng gợn nhiều nghi ngại, trong đó có gia đình chị Chứa.

“Lâu nay gắn bó với đồng ruộng, ngô khoai, vất vả cũng chỉ mong được 3 bữa cơm no. Trồng cây mận 3 năm mới được thu hoạch thì lâu quá, nếu không bán được thì biết sống bằng gì. Nhưng Đồn Biên phòng đã hướng dẫn, lo cho cây giống, phân bón, khi được thu hoạch, các anh bàn giao lại cho mình,” chị Giàng Thị Chứa vui vẻ nói.

ttxvn-bo-doi-bien-phong-son-la-giup-nhan-dan-phat-trien-kinh-te-2212.jpg
Bộ đội Biên phòng Sơn La giúp nhân dân phát triển kinh tế. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Vậy là gần 8 năm nay, vợ chồng chị Chứa chuyển sang trồng cây mận. Từ vài chục gốc ban đầu, đến nay nương mận nhà chị đã gần 500 gốc và còn trồng thêm ngô cho năng suất cao. “Mùa mận, tôi lãi hơn 60 triệu đồng, ngô cho thu hoạch gần 40 triệu đồng. Nhà đã mua sắm được ti vi, máy giặt, tủ lạnh, máy lọc nước. Cuộc sống đã bớt khó khăn,” chị Giàng Thị Chứa chia sẻ.

Cũng nghi ngại ban đầu, sau đó trước “trợ lực” tích cực từ Đồn Biên phòng và hiệu quả từ thành công của chị Giàng Thị Chứa, nhiều hộ dân trong 9 bản với hơn 1.020 hộ của xã biên giới Chiềng Tương đã thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp. Từ vài ha ban đầu, đến nay diện tích trồng mận hậu trên toàn xã lên tới hơn 300 ha, sản lượng quả thu hoạch đạt hơn 2.120 tấn/năm. Không ít hộ đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống, nhiều người đã xây được những ngôi nhà tiền tỷ.

Điểm tựa vững chắc của đồng bào biên giới

Trao đổi về cuộc sống người dân xã biên giới đang ngày một ấm no hơn, anh Thào Lao Dống, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chiềng Tương cho hay, xã có 240 hộ nghèo và 220 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới, giảm đáng kể so với năm 2021. Đó cũng nhờ những chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp sức vào là các mô hình phát triển kinh tế của Bộ đội Biên phòng.

“Mô hình trồng mận hậu thực sự hiệu quả, góp phần giảm hộ nghèo tại xã Chiềng Tương từ 97,1% năm 2021 xuống còn 23,4% năm 2023. Kết quả này chứng minh thành công của mô hình và vai trò quan trọng của Bộ đội Biên phòng trong việc giúp dân phát triển kinh tế. Các anh không chỉ bảo vệ biên giới mà còn là chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống của bà con nơi biên cương,” anh Thào Lao Dống khẳng định.

Chia sẻ về hoạt động giúp dân, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân trên địa bàn, Thiếu tá Thào Nguyên Hồ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chiềng Tương cho hay, địa bàn xã biên giới Chiềng Tương chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây, trình độ dân trí của bà con còn thấp, sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo phương thức truyền thống như trồng ngô, lúa nên gặp khó khăn do đất đai ít màu mỡ và hiệu quả kinh tế thấp.

ttxvn-bo-doi-bien-phong-son-la-giup-nhan-dan-phat-trien-kinh-te-2212-2.jpg
Bộ đội Biên phòng Sơn La giúp nhân dân phát triển kinh tế. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

“Những năm qua, Bộ đội Biên phòng Chiềng Tương đã triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ bà con trồng cây mận hậu trên đất dốc với hy vọng từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân tự chủ vươn lên thoát nghèo; đồng thời, góp phần xây dựng bản làng biên giới ngày càng giàu đẹp, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ trên địa bàn,” Thiếu tá Thào Nguyên Hồ nhấn mạnh.

Chắp cánh ước mơ

Không chỉ giúp dân, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân trên địa bàn, những năm qua, bằng trách nhiệm, tình cảm với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La còn nhận đỡ đầu và trực tiếp nuôi dưỡng tại đơn vị hàng trăm cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng.”

Ở trong đơn vị, các cháu được bố trí chu đáo nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt, có góc học tập riêng và đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Hằng ngày, chỉ huy Đồn phân công cán bộ trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc, đưa đón các cháu tới trường. Có nhiều cháu đã thi đỗ cao đẳng, đại học, mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng cho bản thân và gia đình.Năm 2019, do cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng, thiếu người chăm sóc nên em Sồng Lao Cường (16 tuổi, dân tộc Mông, học sinh trường Trung học phổ thông Phiêng Khoài) và em trai là Sồng Lao Việt, đều ở bản Suối Cút, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, đã được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On đưa về đơn vị nuôi ăn học.

Kể về những người “cha nuôi” ở Đồn Biên phòng, em Sồng Lao Cường xúc động nói: “Hai anh em cháu vui lắm. Hàng ngày được các chú Bộ đội Biên phòng dạy học, sáng ngủ dậy được học võ thuật. Thời gian rảnh rỗi thì được các chú hướng dẫn làm vườn tăng gia cải thiện đời sống. Ước mơ của chúng cháu sau này sẽ là bộ đội để bảo vệ quê hương của mình như các bố, các chú Biên phòng.”

Theo Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, thực hiện mô hình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng,” năm 2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiếp tục đưa về đồn chăm sóc, nuôi dạy 9 học sinh tại 5 đồn Biên phòng, đỡ đầu 49 học sinh ở khu vực biên giới, trong đó có 10 học sinh Lào. Nhờ sự chăm sóc, đỡ đầu của Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhiều em đã tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm 2024.

Việc triển khai mô hình góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tổng quát trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là “xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước”./.

Bài 2: Mang lại cuộc sống bình yên nơi biên cương

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục