Ngôi sao điền kinh khuyết tật Nam Phi Oscar Pistorius đã bật khóc nức nở trong phiên tòa ngày 15/2 tại Pretoria, khi anh bị cáo buộc tội giết bạn gái trong đúng ngày Valentine.
Vận động viên 26 tuổi người Nam Phi từng giành huy chương vàng Paralympic này suy sụp sau khi nghe thẩm phán Desmond Nair công bố tội danh duy nhất mà “Người không chân” bị truy tố là giết bạn gái tóc vàng, người mẫu Reeva Steenkamp. Chưa đầy một năm về trước, Pistorius vẫn được coi là người hùng của đất nước Nam Phi khi trở thành vận động viên khuyết tật cả 2 chân đầu tiên xuất hiện ở Olympic (London 2012). Nhưng trong phiên đọc cáo trạng hôm 15/2, anh chỉ im lặng, rồi khóc khi nghe công tố viên buộc tội, tội danh mà nếu bị kết tội, anh có thể phải lãnh mức án cao nhất là chung thân. Phiên điều trần sẽ được dời lại đến thứ Ba tuần sau để cho phép bên bị có thêm thời gian để chuẩn bị. Trong thời gian đó, Pistorios sẽ bị tạm giam. Pistorius nổi danh toàn cầu với biệt danh “Blade Runner” (giống tựa một bộ phim Hollywood, ở đây ám chỉ khả năng chạy dù sinh ra không có xương ống chân) khi thi đấu Olympic bằng đôi chân làm từ sợi carbon. Bạn gái anh, siêu mẫu tóc vàng Reeva Steenkamp được phát hiện đã chết do trọng thương vùng đầu và tay vào rạng sáng ngày 14/2. Pistorius đã bị tạm giam qua đêm sau khi thử nồng độ cồn trong máu và một số bài kiểm tra khác nữa. Trước đó đã có nhiều nguồn tin cho rằng Pistorius bắn chết bạn gái 29 tuổi do nhầm tưởng cô là một tên trộm. Tại quê nhà Nam Phi, anh được coi là biểu tượng của quốc gia và người ta dễ dàng bỏ qua đời tư đầy xa hoa của anh với những cô bạn gái xinh đẹp, súng đạn và những chiếc siêu xe. Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 14/2, cảnh sát đã được gọi tới khu thượng lưu ở Pretoria mà Pistorius sinh sống do hàng xóm của anh nghe thấy nhiều tiếng súng. Phát ngôn viên của cảnh sát Denise Beukes cho biết khẩu súng 9mm được dùng để bắn nạn nhân thuộc về Pistorius – nghi phạm duy nhất của vụ án. Cảnh sát cũng tuyên bố rằng họ sẽ không chấp nhận bất kì đề nghị nộp tiền bảo lãnh nào. Steenkamp, người từng lên bìa tờ FHM, được Sarit Tomlins, người làm ở công ty quản lí của cô mô tả như “một thiên thần trên thế gian và là con người hiền lành, ngọt ngào nhất.” Sinh ra ở Cape Town và lớn lên tại Port Elizabeth, cô có một bằng cử nhân luật tại đại học Nelson Mandela Metropolitan. Cảnh sát đã dội một gáo nước lạnh lên các phương tiện truyền thông về giả thuyết cô làm người yêu bất ngờ - điều được nhiều suy ra từ Twitter của cô một ngày trước đó. Vào ngày 13/2, Steenkamp đã viết: “Các bạn đã chuẩn bị điều gì mới cho ngày mai chưa? #đầy hứng khởi. #ngày Valentine.” Phát ngôn viên Beukes tuyên bố: “Chúng tôi rất ngạc nhiên về những nguồn tin cho rằng nạn nhân bị nhầm là một tên trộm.” Cảnh sát cho biết họ đã thẩm vấn các hàng xóm của Pistorius khi họ nghe những tiếng ồn từ khu nhà anh vào tối ngày 13/2 và khoảng thời gian xảy ra vụ án. Trước đó đã có nhiều lời đồn về xích mích xảy ra ở nhà riêng của Pistorius.
Siêu mẫu tóc vàng Reeva Steenkamp, người bị Pistorius bắn chết (Nguồn: AFP)
Kyle Wood, một cư dân 25 tuổi sống ở khu Silverlakes chia sẻ: “Luôn có nhiều tin đồn dính tới Oscar Pistorius, song hầu hết tôi đều cho rằng bởi anh ấy là một ngôi sao.” Vào năm 2009, Pistorius từng phải ngồi tù một đêm do hành hung một cô gái 19 tuổi tại một bữa tiệc. Anh cũng từng nhiều lần công khai bày tỏ sở thích với súng đạn. Vào năm ngoái, anh từng lên báo kể rằng anh luôn ngủ với một khẩu súng ngắn, một khẩu súng máy, một cây gậy bóng chày và một chiếc vợt cricket do sợ trộm. Anh thậm chí còn đưa phóng viên ra một nơi gần đó để bắn thử khẩu súng 9mm sau khi nhà báo nói với Pistorius rằng anh ta chưa bao giờ bắn súng. Tại Nam Phi, nơi tội phạm tràn lan thì ước tính có khoảng 1,5 triệu người sở hữu súng. Rất nhiều người dân giữ súng tại nhà và có hàng rào điện, nút báo động khẩn cấp có thể triệu hồi những bảo vệ trang bị vũ khí tận răng chỉ trong vài phút. Hồi tháng Mười Một, Pistorius từng viết lên Twitter rằng khi anh về nhà và nghe tiếng máy giặt, “tưởng như có một kẻ đột nhập và đã sẵn sàng để chống lại hắn.” Quyền sở hữu súng của Pistorius hiện đang được đặt dấu hỏi bởi nhiều tổ chức phản đối vũ khí ở Nam Phi. Để có quyền sở hữu súng thì Pistorius sẽ phải có bằng xác nhận về kiến thức sử dụng súng cùng những cuộc phỏng vấn hàng xóm anh để loại bỏ khả năng Pistorius bị nghiện ngập, thần kinh hay có xu hướng bạo lực. Claire Taylor, thành viên của tổ chức “Không dùng súng ở Nam Phi” tuyên bố: “Trường hợp của Oscar rất thú vị bởi anh ta rõ ràng có tiền sử hành hung và dùng rượu.” Pistorius cũng là một người máu mê mạo hiểm, với niềm đam mê lớn với tốc độ, xe đua. Cách đây bốn năm anh từng làm hỏng một chiếc thuyền trên con sông ở phía Nam Johannesburg, làm gãy hai xương sườn, cằm và thâm tím mắt. Trên thuyền, người ta đã phát hiện nhiều chai rượu rỗng song Pistorius không hề bị yêu cầu thử máu. Mãi cho tới trước scandal lớn ngày 14/2, những rắc rối của Pistorius luôn được che phủ bởi thành công mà anh đem lại. Vận động viên sinh ra tại Johannesburg này đã đoạt huy chương vàng cự ly 4x100m đồng đội và 400m cá nhân tại Paralympic ở London. Anh cũng từng đoạt ba huy chương vàng tại Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Vào năm ngoái, Pistorius thậm chí còn được tờ Time chọn là 1 trong 100 người giàu ảnh hưởng nhất thế giới. Do sinh ra mà không có xương ống chân, anh đã có chân giả từ khi mới 11 tháng tuổi. Song điều đó không khiến anh ngừng niềm đam mê với thể thao và chỉ chuyển sang môn điền kinh sau khi chấn thương với môn bóng bầu dục. Tại trường cấp 3, anh xuất sắc tới mức giáo viên thể lực của anh còn không hề biết chân của Pistorius là giả trong sáu tháng liền. Hiện một đài truyền hình tại Nam Phi đã ngưng phát sóng chiến dịch quảng cáo lấy Pistorius làm biểu tượng. “Người khổng lồ” làng thể thao Nike chưa đưa ra bình luận nào về chiến dịch mà Pistorius đại diện cho họ, mà trớ trêu thay lại có liên quan tới súng ống. Trong quảng cáo của Nike, Pistorius chuẩn bị xuất phát ở đường đua và kèm theo câu slogan: “Tôi nhanh như một viên đạn”./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)