Những điều kiện để xe được miễn phí BOT qua trạm phòng chống dịch

Phương tiện nào được miễn phí BOT để phòng chống dịch COVID-19?

Các phương tiện phải đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện cần và đủ mới được miễn phí qua trạm BOT để phòng chống dịch COVID-19.
Phương tiện lưu thông qua một trạm thu phí BOT. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án BOT về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, đối tượng miễn phí qua các trạm BOT được quy định tại Khoản 10 Điều 4 Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ quản lý, cụ thể: “Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.”

Các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, chở người từ vùng dịch về các địa phương; các phương tiện chở cán bộ, người làm việc tại các chốt kiểm dịch do Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập; các phương tiện chở hàng hóa ủng hộ nhân dân các vùng dịch.

Điều kiện để các phương tiện được miễn phí gồm các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa; các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương; các phương tiện chở cán bộ, người làm việc tại các chốt kiểm dịch do Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập cần xuất trình giấy tờ liên quan như lệnh điều động, các quyết định... của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Các phương tiện chở hàng hóa ủng hộ nhân dân các vùng dịch có văn bản của chính quyền địa phương (Ủy ban Nhân dân) hoặc cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội liên quan đến công tác cứu trợ, nhân đạo (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ...); thực tế có chở hàng hóa thiết yếu ủng hộ nhân dân các vùng dịch.

“Nếu các phương tiện không đủ 2 yếu tố trên, các đơn vị thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đúng quy định,” ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định.

[Dừng thu phí dự án BOT các địa phương áp dụng CT16 từ 0 giờ ngày 20/7]

Ngoài việc miễn phí cho các xe cùng với thực hiện lưu trữ, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện ghi chép cụ thể số lượng, biển số, chủng loại phương tiện, lập biên bản từng ca có đầy đủ chữ ký của lãnh đạo trạm, trưởng ca và nhân viên thu phí; chịu trách nhiệm thống kê đầy đủ và chịu trách nhiệm về tính chính xác về đối tượng được miễn phí.

Bên cạnh đó, các đơn vị xác định số ngày không được sử dụng vé tháng, vé quý của các chủ phương tiện trong giai đoạn tạm dừng thu phí, thực hiện bù vào tháng, quý tiếp theo, sau khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, chủ phương tiện tiếp tục mua vé tháng, vé quý phải ghi bổ sung số ngày tạm dừng thu phí vào thời gian hiệu lực của vé tháng, vé quý. Các chủ phương tiện không tiếp tục mua vé tháng, vé quý ghi bổ sung thời gian được gia hạn, đóng dấu giáp lai vào vị trí ghi bổ sung trên vé tháng, vé quý để chủ phương tiện sử dụng.

Các đơn vị cập nhật vé tháng, vé quý được gia hạn vào phần mềm quản lý thu phí để kiểm tra, giám sát; đảm bảo mỗi chủ phương tiện bị ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội được gia hạn thời gian sử dụng vé tháng, vé quý đúng bằng thời gian bị ảnh hưởng theo quy định.

Trường hợp xuất hiện ca bệnh COVID-19 trong cán bộ, công nhân viên tại trạm thu phí, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay các biện pháp theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tại địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục