Phương Tây đang mất dần kiên nhẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ

EU và Mỹ đều đang muốn áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Ankara đang ngày càng hành xử như một đối thủ, chứ không phải bạn bè của phương Tây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng welt.de đưa tin hiện nay, cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều đang muốn áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Ankara đang ngày càng hành xử như một đối thủ, chứ không phải bạn bè của phương Tây.

Giờ đây, đất nước bên bờ eo biển Bosporus này đang cảm nhận rõ về những hậu quả từ chính sách đối ngoại của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Có vẻ như những hành động của Tổng thống Erdogan đã đi quá xa. Vì thế, tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ do các hành động đơn phương và khiêu khích của nước này tại vùng biển ngoài khơi của Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp - hai nước thành viên EU. Và cả Washington cũng có động thái tương tự với Ankara.

Theo tin tức từ một số hãng truyền thông của Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đang chuẩn bị áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này đưa vào hoạt động hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga, bất chấp những lời cảnh báo gay gắt từ phía Mỹ.

Ông Erdogan đang bị các đối tác phương Tây quan trọng nhất của mình “rút thẻ đỏ.”

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu đang xem xét áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các cá nhân và mục tiêu cụ thể.

[EU hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng khai thác khí đốt ở Địa Trung Hải]

Ví dụ, EU sẽ áp đặt trừng phạt các công ty và các tàu thuyền của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc khoan thăm dò dầu khí tại khu vực tranh chấp trên Địa Trung Hải.

Ngoài ra, các cá nhân liên quan cũng có thể bị trừng phạt như cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản.

Tất nhiên, đây mới chỉ là quyết định về mặt nguyên tắc, còn các biện pháp trừng phạt cụ thể dự kiến sẽ được đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh đệ trình vào tháng 3/2021.

Về phía Mỹ, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump có thể sẽ công bố các biện pháp trừng phạt Ankara trong tuần tới, mục tiêu nhắm tới là Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ - cơ quan dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Erdogan - và người đứng đầu cơ quan này, Ismail Demir.

Sau khi thông tin về các biện pháp trừng phạt của Mỹ được tiết lộ, đồng  Lira của Thổ Nhĩ Kỳ lập tức trượt giá mạnh trên thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, hiện tại cả châu Âu và Mỹ đều không muốn đưa cá nhân Tổng thống Erdogan trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt.

Tuần qua là khoảng thời gian mà phương Tây mất kiên nhẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, và một châu Âu “thường không có nanh” cũng bắt đầu “phho trương những chiếc nanh” của mình, dù vẫn còn những do dự.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng thể hiện sự ngưỡng mộ nhất định đối với nhà độc tài Erdogan, cũng đã kiềm chế trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, trong những năm qua, ông luôn cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga vì Moskva có thể nắm được những công nghệ quân sự trọng yếu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga tham gia cuộc tập trận quân sự Kavkaz-2020 tại Ashuluk (Nga). (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Tuy nhiên năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua hệ thống S-400. Ngay lập tức, Ankara bị Washington loại ra khỏi danh sách các quốc gia được phép sở hữu máy bay tàng hình tiên tiến F-35 của Mỹ.

Tháng 10 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục vượt qua một ranh giới khác khi  đưa hệ thống S-400 vào hoạt động. Điều đó dường như đã thách thức lòng kiên nhẫn của Trump.

Mới đây nhất, cả hai viện Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2021, trong đó bao gồm các lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo luật mới này, chính phủ Mỹ có 30 ngày để áp đặt 5 loại biện pháp trừng phạt khác nhau đối với Ankara. Nhưng Tổng thống Trump còn muốn hành động sớm hơn.

Phát biểu tại cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên NATO hồi tuần trước, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison tuyên bố: “Chúng tôi lo ngại một số hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Ý tưởng về việc thiết lập một hệ thống phòng không sản xuất từ Nga ngay trong lòng liên minh của chúng ta đã vượt quá giới hạn chấp nhận được.”

Cũng trong cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có màn “đấu khẩu” gay gắt.

Ngoại trưởng Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hành động với tư cách là một đồng minh và có trách nhiệm cao hơn.

Phản ứng của EU cũng tương tự. Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh EU có đoạn: “Thật không may, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hành động đơn phương, khiêu khích và ngày càng leo thang những lời hùng biện chống lại EU, chống lại các nước thành viên và các nhà lãnh đạo châu Âu... Các hành động đơn phương và leo thang của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải vẫn tiếp diễn, ngay cả ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Cyprus.”

Ankara đã phản ứng mạnh mẽ với các tuyên bố trừng phạt trên và đe dọa rằng các biện pháp này có thể gây nguy hại cho mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, việc áp đặt trừng phạt thể hiện sự thất vọng ngày càng tăng của châu Âu và Mỹ đối với chế độ Erdogan.

Chế độ này không chỉ ngày càng trở nên mất dân chủ ở trong nước trong những năm qua, đến mức tổ chức phi chính phủ Freedom House phải xếp loại Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia “không có tự do.”

Đồng thời, Ankara ngày càng thể hiện vừa là đối tác nhưng cũng vừa là kẻ thù của phương Tây. Một mặt, nước này vẫn nằm trong NATO và có mối liên hệ chặt chẽ với EU.

Mặt khác nhiều năm qua, Erdogan vẫn không ngừng tuyên truyền chống lại phương Tây và thường hành xử như một kẻ thù hơn là một người bạn của phương Tây trong các vấn đề địa chiến lược quan trọng như vấn đề Syria và Đông Địa Trung Hải.

Do đó, trong nhiều năm qua, phương Tây đã phải nỗ lực để giữ sự cân bằng một cách đầy khó khăn. Châu Âu vẫn cần Erdogan trong việc kiềm chế dòng người tị nạn đổ về “Lục địa già,” đồng thời cũng không muốn chỉ đơn giản đứng nhìn Thổ Nhĩ Kỳ với những yêu sách chủ quyền của mình gây bất ổn cho khu vực Địa Trung Hải, từ Hy Lạp và Cyprus đến Libya.

Người Mỹ cũng tương tự như thế. Ở Washington có sự đồng thuận lớn về việc phải ngăn chặn Erdogan.

Nhưng bên cạnh đó, do vị trí địa chiến lược quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ tại eo biển Bosporus, Mỹ cũng muốn tránh để Thổ Nhĩ Kỳ bị loại ra khỏi NATO và rơi vào vòng tay của Moskva.

Cho tới nay, Erdogan đã tận dụng rất tốt vị thế địa chính trị và tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với châu Âu và NATO.

Chính quyền của ông đang ngày càng thách thức sự kiến nhẫn của các đối tác phương Tây. Tuy nhiên, giờ đây có vẻ như Erdogan đã hành xử quá sức chịu đựng của phương Tây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục