Trang mạng ThinkChina.sg (Singapore) đăng bài bình luận của tác giả Bu Shaoying, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu Con đường Tơ lụa trên biển, Viện Nghiên cứu Quốc gia Các vấn đề Biển Đông, cho rằng trong khi phương Tây có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch cơ sở hạ tầng, họ có thể cân nhắc khả năng hợp tác với Trung Quốc để đôi bên cùng có lợi.
Nội dung như sau:
Cạnh tranh giành ảnh hưởng
Trung Quốc là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng hàng đầu ở các nước đang phát triển, chủ yếu thông qua BRI trên bộ và trên biển. Điều này đã thúc đẩy các bên khác cung cấp những lựa chọn thay thế, ví dụ như quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng của Nhật Bản, hay cách tiếp cận song phương, tiểu vùng và đa phương của Ấn Độ trong những năm gần đây.
Và lẽ dĩ nhiên, nước Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Washington đang dẫn dắt, lãnh đạo một liên minh phương Tây trong một cuộc cạnh tranh nước lớn nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc và những lĩnh vực được quan tâm chú ý đã mở rộng ra vấn đề hỗ trợ và hợp tác trong cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển.
Tại cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tháng Sáu vừa qua, kế hoạch cơ sở hạ tầng Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) đã được đề xuất nhằm đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Và trong tháng Bảy vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua một kế hoạch cơ sở hạ tầng “Một châu Âu Kết nối Toàn cầu.”
Nhìn vào những mục tiêu, nội dung và chương trình hoạt động của các kế hoạch và đề xuất này, rõ ràng có thể nhận thấy mục đích cạnh tranh và thậm chí cản trở, gây khó khăn cho sáng kiến BRI của Trung Quốc.
Sáng kiến B3W đề xuất một “mối quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng minh bạch, định hướng giá trị, tiêu chuẩn cao,” huy động nguồn vốn tư nhân trong bốn lĩnh vực trọng tâm, bao gồm khí hậu, y tế và an toàn sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số, bình đẳng giới và bình đẳng tại các nước đang phát triển.
Trong khi đó, kế hoạch “Một châu Âu Kết nối Toàn cầu” của EU tập trung vào nguyên tắc sự kết nối “bền vững, toàn diện và dựa trên quy tắc.” Kế hoạch này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư trong cả lĩnh vực cơ sở hạ tầng vật chất cũng như khuôn khổ pháp lý, và nhu cầu khuyến khích các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Nội dung kế hoạch này chú trọng tham gia vào quan hệ đối tác kết nối với các quốc gia và khu vực có “cùng chí hướng,” chẳng hạn như ASEAN và Mỹ, cũng như Nhật Bản và Ấn Độ. Đây là những quốc gia đã ký kết thỏa thuận với EU về sự hợp tác có liên quan đến cơ sở hạ tầng.
Hai kế hoạch lớn do Mỹ và EU đề xuất này nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị, các quy tắc và tiêu chuẩn. Ý tưởng của hai kế hoạch là nhằm khai thác sức mạnh chung của các đồng minh phương Tây và các công ty tư nhân để đưa ra các tiêu chuẩn mới và trật tự mới cho sự phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu, khiến các nước đang phát triển từ bỏ sáng kiến BRI do Trung Quốc lãnh đạo và thay vào đó là đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng do phương Tây dẫn dắt, đồng thời tái xây dựng lại hình ảnh và sức ảnh hưởng của phương Tây đối với các nước đang phát triển.
“Cơ sở hạ tầng mềm” - trọng tâm hỗ trợ của phương Tây
Trong khi các kế hoạch cơ sở hạ tầng của phương Tây được nhìn nhận là đầy tham vọng, câu hỏi lớn đặt ra là liệu các kế hoạch này có thể tạo ra một thách thức mạnh mẽ đối với sáng kiến BRI hay không?
[Bài học từ BRI của Trung Quốc với Liên minh châu Âu]
Thứ nhất, trong khi các kế hoạch này được đặt trọng tâm vào sự hỗ trợ và vấn đề hợp tác trong cơ sở hạ tầng kinh tế cho các nước đang phát triển, đây lại được xem không phải là thế mạnh của phương Tây.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, hỗ trợ phát triển từ các nước phương Tây thường tập trung vào “cơ sở hạ tầng cứng,” nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng và công nghiệp. Điều này giúp các khu vực lạc hậu phát triển kinh tế và thu được ngoại hối, giải quyết tình trạng đói nghèo và các vấn đề sinh kế hàng ngày cho người dân thông qua phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, kể từ những năm 1970, với việc gia tăng nợ ở các nước đang phát triển và ảnh hưởng của chủ nghĩa “tự do mới” và dân chủ giữa các nước phương Tây, đã có sự quan tâm, đòi hỏi nhiều hơn rằng việc hỗ trợ như vậy có thể cải thiện quản trị tốt và đời sống của người dân như thế nào.
Hầu hết các cơ quan hỗ trợ phát triển chính thức ở các nước phát triển đã dần dần bỏ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn vốn có sự khởi xướng, thiết kế và xây dựng chung với các nước đang phát triển. Thay vào đó, họ tập trung hỗ trợ các dịch vụ xã hội công cộng như xóa đói giảm nghèo, cải thiện giáo dục và y tế, như cũng như “cơ sở hạ tầng mềm” nhằm cải thiện các quy định pháp luật và xây dựng năng lực.
Ngay cả ngày nay, câu hỏi vẫn được đặt ra là liệu các nước phương Tây có thể một lần nữa cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn được điều chỉnh để phù hợp với tình hình của các khu vực lạc hậu hơn hay không? Việc quá chú trọng vào vấn đề “tiêu chuẩn cao” sẽ khiến “bữa tiệc cơ sở hạ tầng” do phương Tây cung cấp trở nên “khó tiêu hóa hơn” đối với các nước đang phát triển.
Thứ hai, nếu phương Tây muốn tạo ra một kế hoạch cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn để cạnh tranh với BRI các nguồn lực và kênh đầu tư sẽ gặp khó khăn. Với việc nền kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các nước phương Tây cũng đang phải đối mặt với vấn đề các khoản nợ ngày càng tăng, buộc các nguồn lực hiện tại được sử dụng để phục hồi kinh tế trong nước.
Ví dụ, khoản nợ liên bang của Mỹ hiện ở mức 28.500 tỷ USD, trong khi kế hoạch B3W của Tổng thống Joe Biden và các kế hoạch khác cho nền kinh tế trong nước dự kiến cần 7.000 tỷ USD, trong đó 2.000 tỷ USD sẽ được chi tiêu trong vòng bốn năm tới.
Theo khía cạnh đó, giải pháp mà các nước phương Tây đưa ra là thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, các công ty tư nhân phương Tây đã không đủ thiện chí đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển, xuất phát từ một số lý do sau.
Đầu tiên là việc các dự án hạ tầng quy mô lớn thường dài hạn và tốn kém và hầu hết các dự án sẽ không thực sự mang lại lợi nhuận kinh tế trực tiếp cho các nhà đầu tư. Tiếp theo là là việc rủi ro tỷ giá hối đoái cao hơn ở các nước đang phát triển và biến động tỷ giá hối đoái sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính và các quy định thương mại ở các nước đang phát triển chưa phát triển đầy đủ và có thể dẫn đến chi phí cao cho các nhà đầu tư khi rút khỏi các dự án cơ sở hạ tầng. Cuối cùng là vấn đề bất ổn về chính trị và xã hội đang mang lại những rủi ro tài sản cho các dự án.
Nếu không có khả năng giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả cho các khoản đầu tư vốn tư nhân, các kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô lớn do phương Tây đề xuất có thể đối mặt với nguy cơ cạn kiệt vốn.
Thứ ba, sự tham gia của nhiều bên có lợi ích liên quan sẽ gây khó khăn cho việc phối hợp và khởi động cả hai kế hoạch nói trên. Đối với kế hoạch “Một châu Âu Kết nối toàn cầu," các quốc gia EU đều có những yêu cầu, đòi hỏi mạnh mẽ đối với lợi ích của bản thân chính nước đó. Điều quan trọng là liệu các nước EU có thể thống nhất về khu vực và lĩnh vực để tập trung đầu tư hay không?
Ví dụ, Pháp sẽ quan tâm hơn đến việc tập trung đầu tư vào các khu vực mà nước này có ảnh hưởng truyền thống như Bắc Phi và Trung Phi, Đức sẽ có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng ở Đông Âu, khu vực Balkans và Trung Á, để cải thiện kết nối với châu Á.
Trong khi đó, các thành viên Đông Âu với cơ sở hạ tầng yếu kém và ít có sự tham gia vào phát triển và hợp tác quốc tế sẽ hy vọng có thêm nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và thông tin liên lạc cho chính các nước đó và các khu vực xung quanh.
Biến cạnh tranh thành hai bên cùng thắng
Đối với dự án B3W, với số lượng các bên tham gia nhiều hơn và phạm vi rộng hơn, việc điều phối các mục tiêu, phân bổ nguồn lực và chia sẻ lợi ích sẽ khó khăn hơn nhiều. Các cơ quan hỗ trợ quốc gia và các ngân hàng xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia có hoạt động và quy định khác nhau, trong khi các nhà thầu dự án và nhà đầu tư tư nhân từ các nước phát triển, ngoài những cân nhắc, tính toán thương mại, thì còn có thể tham gia vào sự “cạnh tranh tiêu cực” đối với các dự án.
Trong khi đó, sự khác biệt lớn giữa các nước G7 trong các lĩnh vực và khu vực cần tập trung quan tâm, cũng như mức độ sẵn sàng làm việc với Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng toàn cầu, cũng đang tồn tại.
Tuy nhiên, mặc dù có những hạn chế và thách thức trong các đề xuất và kế hoạch cơ sở hạ tầng của phương Tây, nhưng có một điều không thể phủ nhận đó là các kế hoạch này sẽ tác động đến sáng kiến BRI của Trung Quốc và sẽ cản trở BRI bằng cả “lời nói và hành động.”
Trung Quốc cần duy trì quyết tâm chiến lược của mình trong việc thúc đẩy nhanh chóng và chắc chắn BRI, đồng thời đảm bảo rằng BRI là phải “xanh, công khai, minh bạch và bền vững” và được xây dựng với chất lượng cao phù hợp với điều kiện kinh tế tại từng nước. Ví dụ, Bắc Kinh có thể tăng cường kiểm tra vấn đề đảm bảo sinh thái và các khuôn khổ quy định về BRI, cải thiện tính minh bạch của các dự án hợp tác; đồng thời nỗ lực hơn nữa để nâng cao một cách hợp lý tỷ lệ vật liệu và dịch vụ của địa phương được sử dụng trong các dự án.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể có quan điểm tích cực và cởi mở đối với các kế hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng toàn cầu do phương Tây đề xuất và biến “cạnh tranh” thành “đôi bên cùng có lợi.”
Bắc Kinh cũng có thể hợp tác chặt chẽ hơn với phương Tây trong việc khuyến khích các công ty có sự hợp tác trong việc mở cửa thị trường bên thứ ba, thúc đẩy các ngân hàng phát triển đa phương và cải cách khuôn khổ đầu tư đa phương toàn cầu. Trung Quốc và phương Tây có thể bổ sung cho nhau và mang lại các dịch vụ cơ sở hạ tầng tốt hơn cho người dân các nước đang phát triển thông qua sự cạnh tranh tốt và hợp tác hiệu quả./.