Nếu như xung đột Nga-Ukraine là chủ đề thảo luận chính của các ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nagano (Nhật Bản) hồi tháng 4/2023, thì hơn nửa năm sau, một cuộc xung đột mới xuất hiện đã chi phối chương trình nghị sự của hội nghị ngoại trưởng G7, diễn ra trong hai ngày 7 - 8/11 tại thủ đô Tokyo.
Tuyên bố chung sau hai ngày họp đã dành phần đầu tiên và đáng kể để bày tỏ lập trường của G7 về xung đột Hamas - Israel, được các ngoại trưởng G7 khẳng định là “lập trường thống nhất” của khối về vấn đề này. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý nội dung tuyên bố chỉ đưa ra những đường hướng chung chung, không cụ thể.
Điều này phản ánh những mối quan tâm khác nhau cũng như lợi ích về kinh tế và chính trị khác nhau trong nhóm. Ông Thomas Gomart, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, nêu rõ: “Phương Tây đang bị chia rẽ và sự chia rẽ này có thể thấy rõ trong G7.”
Trong khi nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo, bảo vệ dân thường và tuân thủ luật pháp quốc tế, tuyên bố chung của hội nghị đã không đề cập đến thỏa thuận ngừng bắn, cũng như không có thái độ lên án cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza.
Giới phân tích cho rằng sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ dành cho Israel và những lo ngại về phản ứng dữ dội từ các bộ phận người Arab hoặc Do Thái trong dân số các quốc gia G7, đã khiến việc đạt được quan điểm chung trở nên khó khăn.
Một vấn đề phức tạp là Nhật Bản, Chủ tịch luân phiên G7, đã thực hiện cách tiếp cận thận trọng với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Tuy nhiên, Tokyo cũng đang bị áp lực từ Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản, là phải phù hợp với lập trường ủng hộ Israel.
Ông Koichiro Tanaka, Giáo sư tại Đại học Keio ở Tokyo, chuyên về quan hệ quốc tế ở Trung Đông, nhận định: “Tôi không nghĩ trong lịch sử trước đây, nhiệm kỳ Chủ tịch G7 của Nhật Bản lại gặp phải thách thức nghiêm trọng như thế này.”
Về phần mình, ông Michael MacArthur Bosack, cố vấn đặc biệt về quan hệ chính phủ tại Hội đồng Yokosuka về Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng ngay từ đầu cuộc xung đột, Nhật Bản đã tìm kiếm phản ứng "cân bằng," một phần do lợi ích ngoại giao đa dạng của nước này trong khu vực và sự phụ thuộc vào dầu mỏ ở Trung Đông.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas và phản ứng quân sự quá mạnh từ Israel đã đặt Tokyo vào tình thế phải điều hướng "những vùng xám" trong chính sách của Nhật Bản.
Giáo sư tại Trường Nghiên cứu liên văn hóa của Đại học Kobe, ông Satoru Nakamura đánh giá tuyên bố chung của G7 với lời lẽ thận trọng tránh công kích Israel cho thấy Nhật Bản đã “chú trọng đến Mỹ vì quốc gia này là đồng minh an ninh”. Trong khi đó, ông Jeffrey J. Hall, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda, nhận định: “G7 thực sự không thể đưa ra quan điểm thống nhất mạnh mẽ về vấn đề này.”
Theo Giáo sư Nakamura, lập trường không rõ ràng của Nhật Bản có thể khiến các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông tiến gần hơn đến Trung Quốc và Nga, coi các nước G7 không còn là đối tác đáng tin cậy trong việc tạo ra sự ổn định khu vực.
Kenichiro Takao, nhà nghiên cứu điều hành tại Viện Trung Đông của Nhật Bản, cho biết nếu các thành viên G7 tiếp tục đứng về phía Israel trong cuộc xung đột trước sự thất vọng của các quốc gia Hồi giáo, thì Trung Quốc và Nga sẽ củng cố ảnh hưởng của họ ở Nam bán cầu.
[Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề quốc tế]
Theo Giáo sư Hideaki Shinoda tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, lẽ ra G7 nêu những đề xuất cụ thể về cách đưa viện trợ nhân đạo đến Gaza, nơi nhiên liệu, thực phẩm, nước và vật tư y tế khan hiếm, nhưng điều này đã không xuất hiện trong tuyên bố chung.
Ngoại trừ cuộc xung đột Israel-Hamas, có thể nói các ngoại trưởng G7 thể hiện lập trường thống nhất, xuyên suốt của khối trong suốt năm 2023 về các vấn đề khác, trong đó có xung đột Nga-Ukraine, các diễn biến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và quan hệ với Trung Quốc.
Trước thời điểm diễn ra hội nghị ngoại trưởng G7, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi về khả năng xung đột Hamas-Israel có thể chuyển sự chú ý của quốc tế khỏi xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, phiên họp mở rộng của G7 với sự tham dự trực tuyến của Ngoại trưởng Ukraine và nội dung thể hiện trong tuyên bố chung cho thấy đây là vấn đề mà khối này tiếp tục thể hiện lập trường thống nhất và rõ ràng.
Giáo sư Sebastian Maslow tại Học viện Phụ nữ ở Sendai Shirayuri (Nhật Bản), nhấn mạnh các nước G7 biết rằng nếu họ giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine, “điều này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Nga - và cả Trung Quốc - rằng G7 không có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng cơ bản trong khu vực.”
Takuya Matsuda, nhà nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Tiên tiến của Đại học Tokyo, cho biết trong khi hai cuộc xung đột chiếm phần lớn chương trình nghị sự, thực chất Nhật Bản muốn thảo luận nhiều hơn về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Bình luận viên Jesse Johnson của báo Japan Times cho rằng ngôn ngữ thể hiện trong tuyên bố của ngoại trưởng G7 về Trung Quốc lặp lại những tuyên bố trước đó được đưa ra trong suốt năm 2023, phản đối “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc” ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, thừa nhận cần phối hợp với Trung Quốc trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu, bày tỏ sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc.
Quan hệ với Trung Quốc và các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là mối quan tâm lớn của Nhật Bản, vì vậy việc hội nghị ngoại trưởng G7 một lần nữa nhấn mạnh lập trường đã nhiều lần đưa ra trước đó có thể coi là thành công với Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong khi đạt được mong muốn với hai chủ đề trên, có vẻ Nhật Bản khó hài lòng với tuyên bố của G7 về vấn đề Tokyo xả ra biển nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã ngừng hoạt động. Các ngoại trưởng G7 dù bày tỏ sự ủng hộ với quyết định xả thải của Tokyo, coi đó là việc làm “an toàn, minh bạch và có cơ sở khoa học”, song không hề đề cập đến việc yêu cầu Nga và Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.
Theo giới chuyên gia, điều này có thể là sự thận trọng của Mỹ trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang được thúc đẩy những ngày gần đây, trong đó đáng chú ý là khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp tới tại San Francisco (Mỹ).
Xung đột Hamas - Israel bùng phát bất ngờ đã trở thành thách thức với Nhật Bản trên cương vị Chủ tịch G7. Với tư cách là nước chủ nhà, Nhật Bản mong muốn hội nghị ngoại trưởng G7 thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất của khối trên cả 3 mặt trận: Trung Đông, châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với những kết quả công bố sau cuộc họp, có thể nhận định Nhật Bản về cơ bản đã đạt được mong muốn.
Cho dù vẫn còn một số vấn đề bỏ ngỏ, song Tokyo đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn tại một trong những sự kiện ngoại giao cuối cùng trên cương vị chủ tịch đương nhiệm G7. Đó là cân bằng quan điểm và lợi ích giữa các thành viên trong khi vẫn duy trì được những ưu tiên ngoại giao hàng đầu của mình./.