Phương pháp đơn giản chiết xuất kim loại hiếm

Các nhà khoa học Nga đã phát minh ra phương pháp sinh thái có sử dụng nước để chiết xuất kim loại hiếm từ cặn nham thạch.
Các nhà khoa học trường Đại học tổng hợp Saint Peterburg và Viện Địa chất mang tên Carpinski của Liên bang Nga đã phát minh ra phương pháp sinh thái có sử dụng nước, đơn giản và không tốn kém để chiết xuất kim loại hiếm từ cặn nham thạch.

Những kim loại hiếm và quý có tên gọi như vậy vì chúng khó tìm và đặc biệt khó phân tích. Việc khai thác kim loại hiếm bao giờ cũng là quy trình phức tạp và đắt tiền. Cần phải chế biến lượng lớn khoáng thạch mới chiết ra được 1kg kim loại hiếm, chẳng hạn như Rhenium.

Bà Galina Oleinikova, cán bộ khoa học Viện Địa chất mang tên Carpinski cho biết phương pháp mới dựa trên giả thiết khoa học được khẳng định qua các cuộc thí nghiệm, rằng nhiều kim loại hiếm tích tụ trong phần siêu mỏng của đất đá và nham thạch. Đó là những hạt cực nhỏ, vì thế cần phải áp dụng phương pháp an toàn về sinh thái, tức là dùng nước trong điều kiện nhất định.

Các chuyên viên tiến hành thử nghiệm phương pháp mới trên nham thạch, cụ thể đá cầu đen, và kết quả là đã chiết ra được kim loại Rhenium.

Sau khi những hạt cực nhỏ, kích thước bé hơn 1 micron, từ 1-500 nano mét (1m = 1 tỷ nano mét) được thả vào nước, chúng tạo thành dung dịch muối keo, mà từ đó cho phép khai thác Rhenium.

Hiện nay, công nghệ mới chưa được sử dụng trên diện rộng quy mô công nghiệp nhưng giới khoa học tin chắc rằng trong tương lai không xa sẽ thu được kết quả cao trong ngành khai thác kim loại hiếm và kim loại quý.

Các tác giả phát minh nhận định rằng có thể sử dụng phương pháp mới để khai thác Rhenium từ đá cầu đen và than. Đó là kim loại quý có ý nghĩa chiến lược. Với nhiệt độ nóng chảy rất cao (hơn 3.000 độ C), các hợp kim với Rhenium là vật liệu xây dựng lý tưởng trong ngành năng lượng nguyên tử.

Ngoài ra, kim loại này cũng có triển vọng trong ngành công nghiệp chế biến dầu và hóa dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục