Thay vì tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá từ 65% lên 75% vào năm 2015, nhiều chuyên gia trong hội thảo "Cung cấp thông tin cho báo chí về lợi ích thuế thuốc lá" vừa diễn ra sáng 13/9 cho rằng, mức thuế này nên tăng lên khoảng 105% để kìm sức mua.
Đưa ra căn cứ cho con số này tại hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổ chức Nhịp cầu sức khoẻ Canada (HealthBridge Canada) tại Việt Nam tổ chức hôm nay, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, theo tổng kết của WHO, nếu việc tăng thuế có thể khiến giá thuốc lá tăng 10% thì mức tiêu dùng sẽ giảm khoảng 5%. Trong khi đó, theo ông, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ của thuốc lá của Việt Nam đang ở mức hơn 41%.
Bởi vậy, theo tính toán của đại diện WHO, để đạt được mục tiêu trong chiến lược quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 47,4% hiện tại xuống 39% thì mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá phải khoảng 105% vào năm 2015 và 145% ba năm sau đó (năm 2018).
Ý kiến này của ông Lâm nhận được sự đồng tình từ đại diện Bộ Y tế cũng như Tổ chức Nhịp cầu sức khoẻ Canada (HealthBridge Canada) tại Việt Nam.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khoẻ Canada tại Việt Nam dẫn lại báo cáo của Bộ Y tế năm 2010 với con số 15 triệu người Việt Nam hút thuốc lá. Trong số này, theo bà, ở Việt Nam, cứ 4 nam giới thì có 1 người hút thuốc trong độ tuổi từ 15-24 tuổi.
Giải thích kỹ về tác hại của thuốc lá với sức khoẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bà Hoàng Anh đánh giá, một trong những điều quan trọng dẫn tới hàng triệu người dùng thuốc lá ở Việt Nam là tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ vẫn ở mức thấp.
"Tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ của Việt Nam ở ASEAN chỉ cao hơn Campuchia. Theo số liệu thống kê của WHO năm 2013, Việt Nam có tỷ lệ là 41,6% trong khi Brunei là 81%, Singapore là 71%, Thái Lan là 70%...," bà Hoàng Anh nói.
Bởi vậy, theo đại diện Tổ chức Nhịp cầu sức khoẻ Canada tại Việt Nam, tỷ lệ thuế nên chiếm 2/3 hoặc 4/5 giá bán lẻ như một số nước khác để kìm sức mua trong nước.
"Mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% hiện tại lên 75% trong thời gian tới theo tôi là chưa đủ, thậm chí sức mua sẽ không thay đổi," bà Phạm Thị Hoàng Anh đánh giá.
Về vấn đề buôn lậu có thể gia tăng nếu tăng thuế quá cao, bà Hoàng Anh đề xuất ý kiến, quản lý tốt thị trường bán lẻ có thể giúp tăng hiệu quả của công tác chống hàng lậu.
"Hiện công tác chống buôn lậu thường tập trung ở đường biên nhưng lại thả lỏng ở khu vực trong nước. Nếu công tác này được đồng bộ thì việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không quá ảnh hưởng," bà Hoàng Anh nêu ý kiến.
Tuy vậy, với mức thuế đưa ra khá cao như trên, bà Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn Phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cũng cho biết, cơ quan này cũng tính tới phương án đề xuất Chính phủ khác là tăng từ 65% hiện tại lên 85% vào năm 2015 và 105% vào năm 2018.
Mức thuế này theo bà Hải thì chỉ đủ giữ sức mua hiện tại chứ không thể mong chờ giảm được lượng người tiêu dùng mặt hàng này ở Việt Nam./.
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt Bộ Tài chính đưa ra trước đó, thuốc lá sẽ là mặt hàng có lộ trình nâng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 75% vào năm 2015 và tiếp tục nâng lên mức 85% từ năm 2018. Với phương án này, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tăng thu ngân sách năm 2016 thêm hơn 2.900 tỷ đồng và năm 2018 là 7.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam lại cho rằng, nếu nâng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá vào thời điểm hiện nay thì tình trạng buôn lậu sẽ càng gia tăng, nên tổng thu ngân sách Nhà nước có thể giảm chứ không chắc sẽ tăng. Bởi vậy, cơ quan này đưa ra phương án tăng thuế khoảng 5%.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ chính thức được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 13 vào cuối năm nay.