Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng

Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, được thực hiện tại Ninh Bình và Nam Định, góp phần tạo thu nhập cho người dân, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Triển khai thực hiện Dự án tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ngày 7/2, tại khu vực Cồn Nổi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khởi động trồng rừng trong khuôn khổ Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao và trân trọng cảm ơn Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc đã quan tâm, hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án quan trọng này, góp phần phát huy hiệu quả, vai trò, chức năng của vùng rừng ven biển tại hai tỉnh tham gia dự án (gồm Ninh Bình và Nam Định) trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải.

Dự án còn tạo thu nhập cho người dân, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu Đề án "Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 4/10/2021.

Việc triển khai dự án cũng thể hiện trách nhiệm của Chính phủ Hàn Quốc với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay trên toàn cầu.

Ông Sang-Seop Lim, Thứ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc phát biểu tại lễ khởi động Dự án. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ông Sang-Seop Lim, Thứ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc cho rằng rừng ngập mặn góp phần quan trọng trong phòng chống thiên tai, như một đê chắn sóng tự nhiên, bể hấp thụ carbon tuyệt vời, bảo vệ hệ sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Dự án này đặc biệt có ý nghĩa trong ngành lâm nghiệp và thủy sản của hai nước, mặt khác còn giúp ích rất nhiều cho việc bảo tồn và nâng cao giá trị rừng ngập mặn.

Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc mong muốn dự án được triển khai thành công, cây được trồng tốt và trở thành những khu rừng lớn; hơn thế nữa, sự thành công của dự án sẽ trở thành dự án lâm nghiệp tiêu biểu giữa sự phối hợp của Hàn Quốc và Việt Nam. Trên cơ sở thành công của dự án, phía Hàn Quốc sẽ có kế hoạch mở rộng sang các lĩnh vực khác như chuyển đổi rừng và ngăn chặn phá rừng...

Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại lễ khởi động Dự án. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Tại buổi lễ, ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã cảm ơn sự lựa chọn đúng đắn của nhà đầu tư khi quyết định lựa chọn thực hiện Dự án tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Việc thực hiện dự án sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Khu vực vùng dự án là vùng tiềm năng phát triển kinh tế biển (nuôi trồng thủy sản) và phát triển du lịch sinh thái.

Để dự án được triển khai và hoàn thành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đề nghị nhà đầu tư, đơn vị thi công tập trung các nguồn lực để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ; tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, ban quản lý dự án tỉnh - nơi thực hiện dự án; liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân để triển khai các mô hình phát triển sinh kế cho người dân góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân, chủ rừng từ khu vực ven biển, phát huy tiềm năng thế mạnh của rừng, phát triển các sản phẩm địa phương.

Dự án Phục hồi và Quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng Sông Hồng với tổng vốn đầu tư 4,392 triệu USD, tương đương gần 94 tỷ đồng; trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc 3,792 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 0,6 triệu USD.

[‘Hồi sinh’ rừng ngập mặn: ‘Dải đê xanh’ giúp dân yên tâm trước bão]

Dự án được thực hiện trong 5 năm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình. Dự án nhằm phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn tại vùng Đồng bằng sông Hồng; trong đó trồng mới rừng ngập mặn 250 a, trồng phục hồi/bổ sung rừng ngập mặn 80ha; thiết lập vườn ươm cây giống cây rừng ngập mặn tại Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và phát triển du lịch sinh thái; hỗ trợ phát triển sinh kế; hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ rừng; đào tạo nâng cao năng lực, truyền thông và tham quan học tập; nghiên cứu phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục