Ngày 22/4, tại thành phố Bà Rịa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo” đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án.
Thạc sỹ Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án, chủ trì buổi làm việc.
Vùng biển Côn Đảo có sự đa dạng sinh học biển vào nhóm bậc nhất Việt Nam với rạn san hô đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều rạn san hô Côn Đảo đã có sự phục hồi khá tốt sau khi bị suy thoái.
Tuy nhiên, một số vùng rạn không thể phục hồi sau khi suy thoái hay có diện tích hẹp do thiếu nền đáy cứng để san hô phát triển. Vì vậy, vấn đề phục hồi san hô cứng đã được Vườn Quốc gia Côn Đảo đề xuất và được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Viện Hải dương học Nha trang thực hiện dự án "Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo."
Dự án được thực hiện từ tháng 5/2018-4/2021 nhằm phục hồi, tái tạo các rạn san hô bị ảnh hưởng do các tai biến thiên nhiên mà không thể phục hồi tự nhiên
Dự án có mục tiêu chung là phục hồi và quản lý một số rạn san hô tại Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo có sự tham gia của cộng đồng với 2 mục tiêu cụ thể: đánh giá khả năng phục hồi và quản lý rạn san hô Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo trên cơ sở phân tính hiện trạng rạn san hô và ứng dụng kỹ thuật phục hồi; xây dựng mô hình trồng phục hồi rạn san hô ở Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo (quy mô 3ha) và quản lý hệ sinh thái rạn san hô nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, phục vụ du lịch sinh thái biển.
Dự án có 6 nội dung được xác định, trong đó có khảo sát lựa chọn địa điểm, xác định quy mô phục hồi san hô cứng tại Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo; đánh giá hiện trạng rạn san hô tại khu vực đã được chọn lựa trước và sau khi phục hồi, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả phục hồi; tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và đào tạo kỹ năng phục hồi rạn san hô cho cán bộ địa phương và cộng đồng.
Dự án cũng phục hồi rạn san hô trên nền đáy tự nhiên và mô hình nạn nhân tạo; theo dõi, giám sát xu thế thay đổi, khả năng phát triển của các loài san hô phục hồi, nguồn lợi sinh vật tại vị trí phục hồi; xây dựng quy trình phục hồi, quy mô chăm sóc và bảo vệ san hô cứng.
Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo Trần Đình Huệ cho biết, căn cứ trên kết quả khảo sát, nhóm thực hiện đã lựa chọn phương pháp phục hồi san hô trên nền đáy tự nhiên (từng có san hô nhưng bị suy thoái) và nền đáy nhân tạo (trước đó không có san hô).
Trên nền đáy nhân tạo, san hô được phục hồi bằng phương pháp tách mảnh tập đoàn theo hướng dẫn phục hồi của Heeger & Sotto và Edwards.
Đối với nền đáy là giá thể nhân tạo, các tập đoàn san hô được cố định trên giá thể bê tông dạng vòm kích thước đường kính 100x60cm (2 đáy), cao 80cm, dày 5cm, có từ 8-10 lỗ (10-15 cm) để tăng khả năng cố định san hô và tạo điều kiện cho các sinh vật vào cư trú. Tổng số bồn bê tông làm giá thể nhân tạo trong dự án này là 150 bồn.
[Việt Nam bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản vì một đại dương xanh]
Đối với nền đáy tự nhiên, các mảnh tập đoàn san hô được cố định trực tiếp trên nền san hô chết bằng dây cước hoặc dây rút. Để tạo sự chắc chắn, dùng cọc sắt hoặc đinh thép đóng trên nền san hô chết làm điểm tựa cố định san hô.
Khoảng cách trung bình giữa các tập đoàn là khoảng 0,50-1 mét với cách gắn sao cho cành san hô theo hướng thẳng đứng và tiếp xúc được nhiều nhất với bề mặt giá thể là nền san hô chết hoặc cọc sắt.
Ngoài ra, những cành san hô “cấy” đều được đeo thẻ để tiện cho việc kiểm tra theo định kỳ. Bảy loài san hô thuộc ba giống Acropora, Montipora, Pocilloporavà hai họ là Acroporidae và Pocilloporidae được lựa chọn để phục hồi.
Đánh giá chi tiết hiện trạng nền đáy của khu vực phục hồi san hô sau khi phục hồi vào tháng 9/2020 cho thấy, độ phủ của san hô cứng trung bình tại 3 điểm Bãi Cát Lớn, Hòn Tài, Đất Dốc tăng từ 1,5 lên 12%.
Điều đó chứng tỏ rằng phục hồi san hô cứng tại các vùng rạn bị suy thoái hoặc tạo các giá thể phục hồi san hô trên nền đáy vừa tạo điều kiện cho san hô phát triển vừa tạo cảnh quan cho các sinh vật đến cư trú.
Theo đánh giá, vào tháng 9/2020 mật độ trung bình của các rạn san hô tại các khu vực phục hồi san hô ở Côn Đảo dao động từ 175-752 cá thể/100m2.
Dự án đã đạt mục tiêu chung là phục hồi và quản lý một số rạn san hô cứng tại Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo có sự tham gia của cộng đồng.
Trong thời gian từ tháng 10/2018-9/2020, dự án đã tổ chức 5 lượt đánh giá và phục hồi san hô cứng ở 3 khu vực, gồm Đất Dốc, Tây Nam Hòn Tài và Bãi Cát Lớn.
Tổng cộng trên 6.000 mảnh tập đoàn san hô đã được di dời và cố định trên diện tích 3ha, mỗi khu vực 1ha.
Đối với san hô phục hồi trên nền đáy tự nhiên ở Đất Dốc và Tây Nam Hòn Tài (trên 4.400 tập đoàn), tỷ lệ sống trung bình của 5 loài san hô phục hồi gồm Acropora grandis, Acropora hyacinthus, Acropora robusta, Acropora millepora và Acropora formosa tương ứng là là 82,1% và 82,9%.
Trong khi đó, việc phục hồi trên nền đáy nhân tạo là các bồn bê tông (trên 1.600 tập đoàn) cho tỷ lệ sống cao hơn (85,6% đối với 3 loài Acropora grandis, Acropora robusta và Acropora formosa). Một số san hô cứng có hình dáng và màu sắc đẹp cũng cho tỷ lệ sống 100%.
Tốc độ tăng trưởng trung bình/tháng của ba loài Acropora formosa, Acropora robusta và Acropora grandis tại Đất Dốc lần lượt là 0,82cm, 0,89cm và 0,5cm. Đối với khu vực Hòn Tài, tốc độ tăng trưởng trung bình/tháng của ba loài này lần lượt là 0,81cm, 0,62cm và 0,47cm.
Trên giá thể nhân tạo, tốc độ tăng trưởng trung bình của loài Acropora formosa cao hơn so với loài Acropora grandis với giá trị tương ứng là 0,88 cm/tháng và 0,74 cm/tháng. Các giá trị này chứng tỏ rằng san hô cành phục hồi ở Côn Đảo đã phát triển tốt.
Theo Phó Giáo sư. Tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang, san hô Côn Đảo chịu nhiều tai biến nhưng rất may khả năng tái tạo tự nhiên của các rạn san hô rất tốt, độ phủ san hô cao.
Sắp tới, Vườn Quốc gia Côn Đảo cần tăng cường công tác quản lý các rạn san hô, thành lập các vùng bảo tồn san hô để tạo điều kiện cho sinh vật biển sinh sống, phát triển và phát tán ra môi trường tự nhiên; huy động bằng hình thức xã hội hóa các doanh nghiệp du lịch để cộng đồng chung tay vừa khai thác nguồn lợi thủy sản vừa bảo vệ, nuôi trồng, khai thác thủy sản một cách bền vững.
Hoạt động phục hồi san hô cứng trong khôn khổ Dự án đã góp phần cải thiện 3 vùng rạn, làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn.
Dự án đã đạt các tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá hiệu quả san hô phục hồi bao gồm tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng của các tập đoàn san hô và các đặc điểm về sinh cảnh của vùng phục hồi như sự thay đổi độ phủ của các hợp phần đáy, sự xuất hiện của các loài có giá trị kinh tế, sinh thái, sự gia tăng mật độ cũng như kích thước của quần xã sinh vật rạn.
Thông qua tập huấn đào tạo và thực hành, Dự án đã hỗ trợ Vườn Quốc gia Côn Đảo nâng cao năng lực và từ nay Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo có thể tổ chức phục hồi san hô cứng với nguồn nhân lực tại chỗ là nhân viên của mình và các đối tác từ cộng đồng địa phương.
Sau buổi làm việc, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu nghiệm thu Dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo” với sự đồng thuận của tất cả 9/9 thành viên khoa học tham gia Hội đồng.
Sau khi chuyển giao Dự án cho đơn vị thụ hưởng là Vườn quốc gia Côn Đảo, các cơ quan chức năng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng các cơ quan quản lý phục hồi các rạn san hô để phục vụ du lịch, tạo các rạn san hô nhân tạo ở các vùng biển sâu nhằm phát triển du lịch mạo hiểm./.